5 sự thật kỳ dị đến từ chính Trái đất của chúng ta mà rất ít người từng biết đến
Bạn có biết hai hướng Bắc - Nam cũng có thể đảo chiều, thời gian một ngày không luôn luôn là 24 tiếng, và có một nơi mà vàng - thứ kim loại mà ai nấy đều khát thèm - nhiều đến nỗi đủ phủ kín cả hành tinh bằng một lớp dày những 45cm?
Vẫn biết, Trái đất còn chứa nhiều điều bí ẩn. Vẫn biết, khoa học đang nỗ lực từng ngày, và cũng đã thành công giải đáp không ít hiện tượng.
Vậy mà chúng ta vẫn không thể thôi kinh ngạc trước "cái nôi" quen thuộc từ thuở nhân loại mới lọt lòng này.
1. Lượng vàng siêu lớn trong lớp lõi: 1600 tỷ tấn, đủ để phủ kín cả hành tinh
Theo ước tính của các nhà địa chất, trong lớp lõi nóng rừng rực của Trái đất có khoảng... 1600 tỷ tấn vàng, nhiều đến nỗi đủ phủ kín bề mặt rộng 510 triệu km2 của Trái đất những 45cm.
Nhưng cũng đừng vội mừng! Dù có nhiều hơn thế nữa thì cũng chẳng có mẩu vụn vàng nào chui vào túi của bạn đâu.
Lý do rất đơn giản: không có cách nào để moi được đống của nả vô bờ bến này lên cả. Nhiệt độ trong tâm địa cầu là 60.000 độ C. Con người có thể bay ra ngoài vũ trụ, nhưng xuyên qua lòng đất thì e rằng khó.
2. Chiều dài của một ngày không phải là 24h
Nếu bạn nghĩ rằng một ngày luôn là 24 tiếng thì hơi bị sai rồi đấy. Cách đây 620 triệu năm, một ngày của Trái đất chỉ có 21,9 tiếng mà thôi. Còn cách đây 350 triệu năm, một ngày cũng mới xấp xỉ 23 tiếng.
Sở dĩ có sự xê dịch này là bởi vì áp lực từ thủy triều. Nó can thiệp vào vòng quay của Trái đất, khiến hành tinh quay chậm hơn khoảng 1,7mili giây mỗi... thế kỷ trôi qua.
Đừng vội cười! Ông bà ta vốn có câu "Tích tiểu thành đại". Thế nên nếu địa cầu mà vẫn tồn tại sau 50 tỷ năm nữa, một ngày của nó sẽ dài hẳn 1000 tiếng đấy. Chỉ nghĩ đến việc phải làm gì cho hết một ngày siêu lê thê, ấy cũng đã đủ... oải.
Nhưng dĩ nhiên ngày ấy sẽ chẳng thể xảy ra, vì tuổi thọ của Mặt trời cũng chỉ kéo dài được vài tỉ năm nữa thôi.
3. Cực Bắc đã từng không phải là cực Bắc
Tất nhiên là chỉ trên tính chất từ trường mà thôi. Vì nhân Trái đất nóng chảy nên lượng sắt khổng lồ trong nó cũng có thể di chuyển, gây ra hiện tượng đảo cực trên mặt đất.
Khoảng 800.000 năm trước, phía Bắc bây giờ là phía Nam và ngược lại. Trước đấy, hai chiều Bắc-Nam cũng từng đảo lộn mỗi 200 - 300 ngàn năm một lần.
Có vẻ như chúng ta cũng đang rất gần với lần đảo cực từ trường tiếp theo. Song nghiên cứu dữ liệu hóa thạch lại cho thấy, sự đảo nghịch này chẳng ảnh hưởng gì đến sự sống trên bề mặt cả.
4. Sông cũng có thể sôi và hồ thì phát nổ
Không khó để khoa học giải thích hai hiện tượng kỳ lạ này, nhưng chúng vẫn vừa lý thú lại vừa đáng sợ.
Sông sôi nằm ở trên dòng Amazon chảy qua Peru. Kỳ thực, nó chỉ sôi có một đoạn dài 8,8km mà thôi, và cũng chỉ xảy ra vào mùa khô.
Con sông sôi sục, nhiệt độ gần 100 độ C tại Amazon
Kỳ quặc là các pháp sư của một số bộ tộc bản địa sống xung quanh lại tin rằng ngâm mình trong khúc sông đang sôi là cách "đánh tan mọi bệnh tật". Trong khi thực tế, nếu lội xuống đoạn sông đang bốc khói nghi ngút ấy, người ta có thể chết vì bỏng trước khi chết vì bệnh, bởi lẽ nhiệt độ của khúc sông này có lúc lên tới gần 100 độ C.
Riêng hồ phát nổ là hiện tượng đặc biệt hiếm, phải cả hàng ngàn năm mới xuất hiện một lần, và cũng chỉ xảy ra ở những hồ cực sâu, tích trữ cực nhiều khí Carbon dioxide. Lượng khí CO2 khổng lồ ấy cũng phải được kích hoạt nhờ một tác động như địa chấn, thì mới gây ra phun trào.
Mặc dù siêu hiếm nhưng một khi đã xảy ra, hiện tượng hồ phát nổ sẽ gây tai họa khủng khiếp. Nó gửi sóng xung kích CO2 vào không khí, gây ngạt thở cho người và động vật ở gần. Sẽ đỡ hơn nếu nó nổ vào ban ngày, vì chúng ta còn biết đường mà chạy. Chứ nếu nó lại âm thầm nổ vào giữa đêm, hậu quả thật khôn lường.
Như trong vụ nổ hồ Nyos ở Cameroon vào đêm ngày 21/8/1986 chẳng hạn. Sự kiện đã cướp đi mạng sống của 1746 người cùng 3500 vật nuôi. Và trong 800 cư dân Cameroon sinh sống cạnh đó, chỉ có đúng 6 người là sống sót.
5. Còn hoang mạc khô hạn nhất thì lại nằm ở... Nam Cực
Theo lẽ thường thì hoang mạc khô hạn nhất phải nằm ở Châu Phi, châu lục nóng nhất hành tinh mới đúng. Thế nhưng thực tế, nó lại nằm giữa Nam Cực, vùng đất băng giá, lạnh lẽo hàng đầu.
Thung lũng Khô hạn của Nam Cực - hoang mạc khô hạn nhất thế giới
Đúng như tên gọi Thung lũng Khô (Dry Valleys), hoang mạc nằm trong Nam Cực này hoàn toàn khô khốc, không có lấy một giọt mưa trong suốt 2 triệu năm qua.
Tham khảo: Grunge
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét