Thứ Hai, 1 tháng 10, 2018

Lời chào mừng của đoàn nhà văn Việt Nam

Thưa các quý ông, quý bà!

Thưa các bạn đồng nghiệp!

Trước hết, tôi xin chuyển tới các quý vị lời chúc mừng nồng nhiệt của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và hơn một ngàn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những người tài hơn tôi và nổi tiếng hơn tôi, nhưng do rất nhiều điều kiện khác nhau mà không có mặt ở đây. Xin cảm ơn Hội Nhà văn Hàn Quốc đã tạo điều kiện tốt đẹp cho nhiều đoàn nhà văn Việt Nam được đặt chân lên đất nước xinh đẹp này.

Ảnh minh họa: Huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo và đội bóng U23 - Những học trò yêu quý của ông được mọi người dân Việt Nam đặc biệt yêu mến.

Ảnh minh họa: Huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo và đội bóng U23 - Những học trò yêu quý của ông được mọi người dân Việt Nam đặc biệt yêu mến.

Thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta được gặp nhau ở đây. Ngay sau cánh cửa kia thôi là một thế giới quay đảo đến chóng mặt. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Nạn khủng bố kinh hoàng và chiến tranh đẫm máu ở nhiều khu vực. Không ngày nào hành tinh của chúng ta không có máu đổ. Chỉ bật radio lên là thấy trái đất nóng bỏng. Nóng đến mức có cảm giác chỉ cần đánh rơi một tàn lửa là cả hành tinh bùng cháy. Từ năm 1990, trong một bài thơ, tôi viết:

Ở nơi nào kia, chiến tranh đang gầm rú

Những quốc gia nào đang thay ruột đổi ngôi

Trái đất mỏng manh và đáng thương biết mấy

Trước những mưu mô, toan tính của con người…

Vậy mà giữa Seoul yên bình và hoa lệ, các nhà thơ, nhà văn ưu tú của hai nước chúng ta lại gặp nhau ở đây, lại nói với nhau bằng ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ của tình yêu và hòa bình. Nếu vị tổng thống nào, nếu vị tướng lĩnh phụ trách các bộ máy chiến tranh nào cũng là những nhà thơ, nhà văn ngồi đây thì tình yêu sẽ tràn ngập thế gian. Không có chiến tranh. Không có máu chảy. Không có những kiếp người bị đọa đầy. Nếu có xung đột thì chỉ là cuộc giao chiến của các nhà phê bình văn chương với những tác phẩm văn chương. Nhưng cuộc chiến ấy không liên quan gì đến chúng ta. Và các nhà văn, nhà thơ chúng ta có thể mỉm cười ngồi xem họ, như xem các ngài hiệp sĩ Đonkiote chiến đấu với những cái cối xay gió.

Thưa các quý vị và các bạn!

Người Việt với người Hàn sao mà giống nhau thế. Nếu hỏi người dân Hà Nội, hay người dân Seoul, thì khéo họ sẽ bảo 8 nhà văn trong đoàn chúng tôi là người Hàn và các vị chủ nhà đây là người Việt!

Hàn Quốc với Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng. Đấy là hai nước có lịch sử văn hóa lâu đời. Người dân đều cầm đũa và sống chính bằng cây lúa nước. Đất nước bao nhiêu năm bị cắt chia và khắc khoải trong lòng mỗi người dân là niềm vui được đoàn tụ. Văn chương của chúng tôi cũng canh cánh một nỗi niềm xa xót ấy. Ông Tế Hanh, một nhà thơ nổi tiếng của chúng tôi là người miền Nam, nhưng lại sống ở miền Bắc. Ông có cả một tập thơ có tên: Gửi người vợ Miền Nam : “Ban ngày bận công tác - Ban đêm dành nhớ em - Ban ngày ở miền Bắc - Ở miền Nam ban đêm” … Cũng như ở đất nước các bạn, chúng tôi có bao nhiêu người “Đêm Bắc ngày Nam”, lại có bao nhiêu người “Đêm Nam ngày Bắc”. Nhà thơ Nguyễn Bính của chúng tôi, vợ ở miền Nam nhưng ông lại ở miền Bắc: “Sao đặc trời cao, sáng suốt đêm - Sao đêm chung sáng chẳng chia miền - Trời còn có bữa sao quên mọc - Anh chẳng đêm nào chẳng nhớ em ”. Để có ngày đoàn tụ, chúng tôi phải mất hai mươi năm chiến tranh. Rất nhiều thành phố bị san phẳng. Vùng quê nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ và nhà nào cũng có người chết trận. Một nhà thơ của chúng tôi đã viết đại ý rằng, nếu trên mỗi ngôi mộ của một người lính chết trận chỉ cần thắp lên một ngọn nến, thì cả đất nước đêm nào cũng sáng rực lên như một dải ngân hà. Đấy là dải ngân hà cháy buốt trên mặt đất. Hiện nay chúng tôi vẫn còn hơn ba trăm ngàn liệt sĩ nữa chưa tìm được hài cốt. Và như thế, vẫn còn hơn ba trăm ngàn bà mẹ vẫn khắc khoải chờ con, dù đất nước đã thống nhất và ngọn lửa chiến tranh đã tắt gần một nửa thế kỷ rồi.

Chúng tôi cầu mong đất nước các bạn sẽ sớm được thống nhất. Các gia đình sớm được đoàn tụ mà không có người nào phải chết trận.

Thưa các quý vị!

Thưa các bạn!

Hàn Quốc với Việt Nam luôn gần gũi nhau. Giới trẻ Việt Nam rất yêu thích các ca khúc và vô cùng hâm mộ các nghệ sĩ xứ Hàn. Ngày nào các rạp chiếu bóng và hàng trăm kênh truyền hình từ Thủ đô đến 63 tỉnh thành trên cả nước chúng tôi đều chiếu, phát phim Hàn. Xe ôtô, hàng hóa điện tử, từ tivi cho đến điện thoại di động của Hàn Quốc tràn ngập lãnh thổ chúng tôi. Huấn luyện viên bóng đá Park Hang-seo của các bạn được người dân của chúng tôi đặc biệt yêu mến. Họ coi ông như người hùng và cao hơn nữa, như một người ruột thịt trong gia đình mình. Park Hang-seo cũng như đội tuyển bóng đá của ông cũng nhờ bầu khí quyển chung của hai nước mà tỏa sáng.

So với điện ảnh, thể thao, hay hàng hoá tiêu dùng, thì văn chương của chúng ta đến với nhau lại có phần muộn mằn, dù chúng ta cũng đã có rất nhiều cố gắng. Cảm ơn các bạn đã trao Giải thưởng Văn học cho nhà thơ Nguyễn Quang Thiều của chúng tôi. Cảm ơn các bạn cũng đã dịch và giới thiệu văn chương Việt Nam, để các nhà văn chúng tôi được đến với bạn đọc và nhân dân Hàn Quốc, đến với những người anh em gần gũi mà chúng tôi vô cùng yêu mến!

Những năm gần đây, tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc được dịch sang Việt Nam khá nhiều. Riêng Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, nhà xuất bản riêng của Hội chúng tôi cũng đã giới thiệu và xuất bản trên 30 tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Hàn Quốc. Nhiều tác giả lớn của Hàn Quốc đã đến được với bạn đọc Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng, chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nền văn chương hai nước. Để thành công hơn, cần phải có sự hợp tác và kết hợp giữa hai Hội Nhà văn. Đặc biệt là việc tuyển chọn và dịch thuật. Dịch văn xuôi dẫu sao cũng dễ hơn. Dịch thơ khó vô cùng. Chả thế ở nước tôi, có người còn bảo dịch là diệt. Bởi thế có tác phẩm dịch so với nguyên bản, mới hay chúng chẳng có họ hàng gì với nhau. Thậm chí chúng còn là kẻ thù không đội trời chung của nhau. Và như thế, được dịch ra nước ngoài, đâu phải tác giả đã đến được với bạn đọc nước bạn, nếu bản dịch không hay. Để có bản dịch hay, người dịch phải giỏi ngoại ngữ, lại phải giỏi cả ngôn ngữ mẹ đẻ. Không phải nhà thơ, nhà văn nào cũng giỏi ngôn ngữ của chính quốc gia mình. Có được hai yếu tố đó rồi, người dịch còn phải có văn tài mới có được bản dịch hay. Thiếu một trong ba yếu tố ấy thì không thể có bản dịch thành công được. Lúc đó dịch sẽ là diệt. Tất nhiên, đấy là những bản dịch tồi của những dịch giả tồi. Còn những bản dịch hay, dịch xuất sắc thì tác giả và dịch giả là sự cộng hưởng thăng hoa. Đó là hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh. Để có được những thành công như thế, tôi nghĩ cần phải có sự kết hợp hiệp tác giữa hai Hội Nhà văn.

Và rồi cùng với việc dịch tác phẩm này, chúng ta cũng cần tổ chức tạo điều kiện để các nhà văn hai nước gặp nhau, cùng tổ chức những chuyến đi thực tế chung để các nhà văn Hàn Quốc viết về Việt Nam và các nhà văn Việt Nam dịch thuật đà nẵng viết về Hàn Quốc.

Xin cảm ơn các quý vị và các bạn!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét