Hiện tại, một số bệnh viện lớn ở Đà Nẵng như: BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, BV Đà Nẵng có lượng bệnh nhân nhập viện nhiều, phải kê thêm giường nằm.
Bệnh nhân mắc SXH nhập viện tăng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện có 37 ổ dịch nhỏ được phát hiện trong các khu dân cư. Các ổ dịch SXH tăng nhanh chóng. Chỉ riêng trong 1 tuần qua, trên địa bàn Đà Nẵng ghi nhận gần 300 trường hợp mắc SXH, như quận Liên Chiểu (44 ca), quận Thanh Khê (55 ca), quận Hải Châu (42 ca), quận Sơn Trà (33 ca).
Số bệnh nhân nhập viện vì SXH cũng tăng cao tại Bệnh viện Đà Nẵng. BS. Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị tiếp nhận trên 230 ca SXH, tập trung điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới. Bệnh viện phải bố trí thêm giường bệnh tại các hành lang, nằm ghép đôi, tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhập viện điều trị vì SXH ngày càng tăng. BS. Nhân cho biết: Mỗi ngày, bệnh viện khám ngoại trú khoảng 80 bệnh nhân SXH, nhưng ở cấp độ nhẹ, không bắt buộc nhập viện để tránh tình trạng quá tải. Khi có dấu hiệu sốt, dù là thông thường cũng nên đưa người bệnh đi khám, làm xét nghiệm cần thiết để có phác đồ điều trị chính xác từ ban đầu. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị, bởi điều này sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.
Bệnh nhân SXH điều trị tại bệnh viện ở Đà Nẵng.
Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng hiện thu dung điều trị hơn 50 bệnh nhân SXH. BS. Nguyễn Văn Ngữ, Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, phần lớn những bệnh nhân đang điều trị đều thuộc cấp độ nặng, phải liên tục theo dõi.
Hiện, Sở Y tế Đà Nẵng đã yêu cầu các bệnh viện tích cực tập trung điều trị, tăng thêm giường bệnh, trung tâm y tế các quận huyện tăng cường công tác phòng chống dịch.
Nguyên nhân bùng phát dịch SXH
Lý giải nguyên nhân của việc bùng phát dịch SXH, ông Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay đang là mùa mưa, thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là người dân mặc dù có kiến thức về phòng chống bệnh dịch nhưng chưa thực sự bắt tay vào làm.
Ông Lãm cho biết: Theo khảo sát, đa phần người dân đều hiểu rõ về việc phòng chống dịch SXH nhưng từ kiến thức đó, họ lại chưa thực sự tham gia tích cực. Đơn cử như nhiều khu vực được cảnh báo có nguy cơ bùng phát dịch, người dân có biết nhưng khi kiểm tra thì xung quanh nhà họ đều có loăng quăng, bọ gậy. Thời điểm này chỉ cần một trận mưa, nước đọng lại mà không kiểm soát dịch thuật sài gòn được là vài ngày sau muỗi có thể sinh sôi rất nhanh.
Riêng về vấn đề phun hóa chất diệt muỗi, ông Lãm thông tin, hiện nay có khu vực chỉ đạt 50-70% việc phun hóa chất. Người dân còn chưa tích cực hợp tác trong việc phun hóa chất.
Ông Lãm khẳng định: Hóa chất diệt muỗi đang sử dụng đã được kiểm nghiệm là an toàn với người, vậy nên, người dân hãy yên tâm và phối hợp để phun. Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố phụ. Điều cần nhất là mỗi người dân phải thực sự tham gia việc chống dịch SXH mà trước hết là cho gia đình mình.
Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết, một lý do nữa khiến số ca bệnh SXH ở Đà Nẵng năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là bởi nhiều bệnh nhân từ địa phương khác như Quảng Nam (chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân) cũng nhập viện tại các bệnh viện ở Đà Nẵng.
Thanh Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét