Chuyện chàng giáo viên bỏ phố về quê và giấc mơ thay thế túi nilon, ống hút nhựa bằng sản phẩm từ cây cỏ
Dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì những thứ chúng ta có được trong cuộc sống này đều do thiên nhiên ban tặng. Anh chàng nông dân ấy đã chọn cách sống hài hoà với thiên nhiên, tận dụng quà tặng từ thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân.
Thời điểm hiện tại khi mà chúng ta đang làm quen với trí tuệ nhân tạo, với nhà thông minh, với tiện nghi đủ đầy thì có 1 thầy giáo trẻ ở Long An lại từ bỏ cuộc sống hiện đại đó để tìm về những giá trị đơn sơ, mộc mạc từ thiên nhiên. Từ hệ sinh thái thiên nhiên của quê hương, anh đã tạo dựng cuộc sống, khởi nghiệp và mở ra cơ hội việc làm cho chính những người dân xung quanh mình.
Câu chuyện của anh Trần Minh Tiến và ước mơ thay thế túi nilon, ống hút nhựa bằng sản phẩm từ cây cỏ của anh đã tiếp nối Hành trình truyền cảm hứng - Wechoice Awards 2018 .
Clip: Chuyện chàng giáo viên bỏ phố về quê và giấc mơ thay thế túi nilon, ống hút nhựa bằng sản phẩm từ cây cỏ - Thực hiện: Wechoice
Chàng giáo viên bỏ phố phường về quê với ước mơ làm giàu từ những loài cây cỏ "đặc sản" quê hương
Anh Trần Minh Tiến sinh ra và lớn lên ở huyện Đức Huệ (tỉnh Long An). Đến năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ trường Cao đẳng Sư phạm, anh Tiến tìm về quê ngoại Tây Ninh để theo đuổi nghề dạy học.
Chân dung anh Trần Minh Tiến.
5 năm gắn bó với giảng đường, anh Tiến nhận ra nơi mình thực sự thuộc về phải là vườn cây, ao cá như những ngày bé thơ anh từng gắn bó. Anh quyết tâm trở về Long An, xây dựng cuộc sống mơ ước gần gũi với thiên nhiên, ruộng vườn.
" Hiện tại mình đang sống trong khu vườn rộng khoảng 3000m2 có rất nhiều cây cối, trên đó mình cất một căn nhà mái tranh. Đất vườn rộng thì mình trồng rau, có đủ các loại đu đủ, chuối, mía và các loại cây cối " - Minh Tiến hào hứng kể về "cơ ngơi" của mình.
Cuộc sống gắn liền với thiên nhiên trong khu vườn của anh Tiến.
Từ lựa chọn cuộc sống cá nhân, anh Tiến tiếp cận gần hơn với nông nghiệp, nghĩ đến việc khởi nghiệp và tạo ra thu nhập từ hệ sinh thái vốn có của quê hương.
Anh chia sẻ: " Mỗi ngày mình thấy có rất nhiều xe chở công nhân, đa phần trên đó là phụ nữ. Mình đặt câu hỏi tại sao những người ở đây họ lại chọn đi làm xa 30-40 cây số? Đó là tại vì ở chỗ này họ không tìm được 1 công việc gì khác để có thêm thu nhập.
Mình muốn mọi người thấy được là có thể sống được trên mảnh đất này dựa trên những chất liệu, hệ sinh thái sẵn có ".
Đĩa làm bằng lá với mong muốn của anh Tiến là thay thế cho hộp xốp, túi nilon trên thị trường.
Chiếc ví cói dệt bằng cỏ bàng - loài cỏ mọc dại có rất nhiều ở Long An.
Cửa hàng 3T và châm ngôn "Có sinh thái sẽ tạo được sinh nhai, từ sinh nhai phát triển nên sinh kế"
Ban đầu tìm đến với những sản phẩm từ thiên nhiên đơn giản là bởi anh Tiến muốn tự tạo công việc và nguồn thu nhập cho chính mình, đồng thời giúp đỡ những người xung quanh. Thế mà giờ đây, ý tưởng của anh đã được phát triển thành 1 cửa hàng mang tên 3T - "tiết giảm - tái sử dụng - tái chế". Hai trong những sản phẩm độc đáo nhất tại 3T chính là ống hút làm từ tre và ống hút làm từ cỏ bàng, ngoài ra các sản phẩm thủ công khác của anh cũng gây tiếng vang trên thị trường cả nước.
" Cửa hàng 3T là hình mẫu doanh nghiệp nhỏ chuyên phát triển, sản xuất các sản phẩm thủ công có nguồn gốc từ địa phương. Không chỉ riêng ống hút, các sản phẩm thủ công khác cũng rất được quan tâm. Ví dụ như làm từ cỏ bàng không chỉ có ông hút mà còn có túi xách cỏ bàng, ví cỏ bàng, chiếu cỏ bàng...
Mình đã sản xuất được 500.000 ống hút từ cỏ bàng. Mình thấy đây là 1 con số rất lớn, thấy được là mọi người đang rất quan tâm và dần chuyển hướng sang sử dụng các đồ tự nhiên " - Minh Tiến chia sẻ.
Sản phẩm ống hút từ cỏ bàng của anh Tiến đã bán ra trên thị trường cả nước
Hiện tại, cửa hàng của anh Tiến hoạt động khá ổn định, mỗi ngày bán hơn 3.000 sản phẩm ống hút các loại cùng các mặt hàng thủ công khác cho khắp nhà hàng trên cả nước.
Anh Tiến tâm sự, anh đã phải từ chối không ít cuộc điện thoại gọi tới đặt số lượng lớn vì anh muốn giữ đúng cái hồn sản phẩm làm thủ công, không muốn mở rộng quy mô hay đưa máy móc vào sản xuất.
Những người đang làm việc cho anh hiện có khoảng 10 người, tất cả hầu hết là bà con lối xóm, mức thu nhập hàng tháng khoảng 3-5 triệu/ người. Dù đây không phải mức thu nhập quá cao, tuy nhiên so với đời sống nông thôn, người dân đã có thể sống tốt với số tiền này.
Cô Nguyễn Thị Phượng làm việc tại vườn của anh Tiến tâm sự: " Từ ngày làm cho thằng Tiến đến giờ cảm thấy là có tiền nhiều hơn hồi xưa, cô cũng mừng. Cô mong muốn là có hàng dài dài để cô làm cho thằng Tiến. Cô nghĩ ngày xưa mình mà có việc này để làm thì mình nuôi con mình thoải mái ".
" Tiến đưa hàng đến đặt, đan túi xách, đan bóp (ví), đan bị, đan cặp. Những thứ nhỏ như vậy thì làm được, chứ to quá cỏ bàng không đan được. Thấy người ta xài cái đó thì mình vui, ráng làm sao cho được đẹp để họ mua về xài " - Bà Phạm Thị Hảnh, một cụ bà hàng xóm làm cho anh Tiến chia sẻ.
Làm việc tại vườn của anh Tiến chủ yếu là những cô, những bà hàng xóm.
Anh Tiến tâm đắc với câu châm ngôn: " Có sinh thái sẽ tạo được sinh nhai, từ sinh nhai phát triển nên sinh kế ". Anh Tiến sống nhờ thiên nhiên, làm việc dựa vào thiên nhiên và anh cũng luôn trăn trở tìm cách khai thác thiên nhiên xung quanh mình theo hướng bền vững nhất.
Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.
Hãy chia sẻ với BTC WeChoice dịch thuật sài gòn Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn . Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét