Mới đây, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã trao giải thưởng tranh biếm họa với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng” và tổ chức triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Lần đầu tiên cuộc triển lãm tranh biếm họa về một đề tài gai góc được tổ chức nên được giới chuyên môn, người dân đánh giá cao. Chỉ trong thời gian ngắn, 518 tác phẩm của hàng trăm họa sĩ trên cả nước gửi về cho Ban tổ chức cho thấy biếm họa Việt đã, đang hòa vào dòng chảy của nghệ thuật hội họa và chủ đề phòng, chống tham nhũng rất... nóng, được giới nghệ sĩ đặc biệt quan tâm. Ban tổ chức triển lãm đánh giá, các tác phẩm đã phát huy tốt nhất thế mạnh của ngôn ngữ đồ họa, đề cập đến nhiều vấn đề thời sự mà không ngại đụng chạm. Trong đó có nhiều tác phẩm thẳng thắn đề cập các vấn đề nóng bỏng như quan to bổ nhiệm người nhà, làm giàu bằng chổi đót, đánh bạc online...
Tác phẩm Sự thật phũ phàng của họa sĩ Trần Hải Nam được trao giải Nhì và giới thiệu tại triển lãm “Phòng, chống tham nhũng” gần đây ở Hà Nội.
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, tranh biếm họa vừa là cái nhìn đả kích, phê phán những thói hư, tật xấu, đồng thời cũng rất dí dỏm, hài hước và nhân văn, dễ hiểu, dễ xem, gần gũi với mọi người, góp một tiếng nói phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng, hướng thiện... Sau khi chấm chọn, Hội đồng nghệ thuật triển lãm “Phòng, chống tham nhũng” đã trao thưởng cho 30 tác phẩm, trong đó có ba giải Nhì (không có giải Nhất): Sự thật phũ phàng của họa sĩ Trần Hải Nam, Tìm trách nhiệm của Hà Xuân Nồng, Dân chơi 4.0 - tác giả Lê Đức Hùng cùng 7 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Thông qua các tác phẩm đoạt giải và hơn 100 tác phẩm xuất sắc khác được giới thiệu tại triển lãm như Một người làm quan cả họ được nhờ, Tham nhũng bú ngân sách, Lộ nguyên hình, Cây tham nhũng phá hoại kinh tế Việt Nam, Tẩu tán tài sản, Lợi ích nhóm ... một lần nữa khẳng định nghệ thuật biếm họa đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình trong phê phán, đả kích cái xấu và hướng đến những giá trị tốt đẹp.
Trên thực tế, không ít triển lãm tranh biếm họa được tổ chức và nhận được sự quan tâm của công chúng thời gian qua. Điển hình là triển lãm tranh biếm họa “Đối mặt với biến đổi khí hậu” gồm 27 tác phẩm của 5 họa sĩ Việt Nam và Thuỵ Điển. Các bức tranh biếm trong triển lãm này đã phản ánh hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cùng chung một yếu tố hóm hỉnh, hài hước nhưng không kém phần sắc sảo, thú vị, các bức tranh biếm đặt ra nhiều vấn đề khiến tất cả phải suy ngẫm: những tác động của biến đổi khí hậu, cách thức để giảm thiểu, ngăn chặn biến đổi khí hậu... Ngược dòng thời gian, người dân từng ấn tượng với triển lãm tranh biếm họa “Hướng về biển Đông” quy tụ 80 tác phẩm của 35 họa sĩ biếm nổi bật với những cái tên quen thuộc gồm Lý Trực Dũng, Hà Huy Chương, Nốp, Nhốp... thể hiện đầy đủ vấn đề về thời sự ở biển Đông trong nhiều năm qua với bút pháp hội họa tinh tế, góc nhìn hài hước và châm biếm sâu cay. Những bức tranh biếm đa dạng, phong phú, khai thác triệt để đặc trưng của biếm họa như điển hình hóa, tượng trưng hóa để tôn vinh truyền thống yêu nước, bảo vệ Tổ quốc...đã đem đến cho công chúng tiếng cười nhưng đồng thời lan tỏa thông điệp: nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình và luôn luôn bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc khi bị xâm phạm trái phép.
Trong khi đó, triển lãm tranh biếm họa chủ đề “An toàn giao thông” gồm 100 tác phẩm của các tác giả từ Bắc vào Nam cũng hút người xem. Đó có thể là bức tranh cho thấy một phụ nữ ngồi trên xe máy đi với tốc độ như bay, một tay cầm điện thoại; tình trạng ổ gà, ổ voi nhiều nhan nhản, mặt đường trơn trượt, tình trạng xe taxi lao vào cảnh sát giao thông... Bằng hình thức thể hiện hài hước nhưng sâu cay, triển lãm tranh biếm họa chủ đề “An toàn giao thông” góp phần tuyên truyền an toàn giao thông đến với người dân một cách mềm mại, gần gũi không theo kiểu vận động, phổ biến kiến thức.
Theo họa sĩ biếm hàng đầu nước ta Lý Trực Dũng, khi các cuộc trưng bày, triển lãm tranh biếm họa diễn ra thường xuyên sẽ giúp biếm họa thực sự trở thành một vũ khí sắc bén, một tiếng nói phản biện sâu sắc. Đó cũng là cơ hội và động lực để biếm họa nước nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về số lượng tác giả và chất lượng tác phẩm. Một khi biếm họa phát triển, với đặc trưng nghệ thuật của mình sẽ góp phần loại trừ cái dịch công chứng sài gòn xấu, thay đổi tích cực đời sống xã hội, làm sạch xã hội...
Hoa Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét