Nhưng hơn hết, Nguyễn Hoa là một nhà thơ tài hoa dù luôn âm thầm, lặng lẽ.
Nhà thơ Nguyễn Hoa.
Người thơ lặng lẽ
Nguyễn Hoa không nổi bật trên văn đàn nhưng ông có những câu thơ lấp lánh và kha khá những dòng thơ thấm sâu khiến bạn đọc, bạn thơ văn chỉ gật gù, thưởng lãm trong trân trọng. Bài thơ Gần gũi của ông dung dị mà mang tính triết lý sâu xa, ai đọc cũng dễ thích, cũng có thể đem ra chiêm nghiệm mà sống, nhất là khi tâm hồn mình rối ren trước sự đời quay quắt chóng mặt, trước quá nhiều mong muốn, dự định, quá nhiều công việc mà không biết giải quyết ra sao:
“Tất cả đều gần gũi với tôi/Đất để đứng/Và khí trời để thở/Mây để bay/Sông để chảy/Và em/Để tôi yêu”
Khí thơ, giọng thơ cho thấy một tâm hồn đã đạt đến sự an yên, thanh thản và bao dung rộng mở để có thể đón nhận quà tặng quý giá của thiên nhiên quanh mình. Đạt đến “tầm cao” ấy rồi thì mặc nhiên mọi thứ tự nhiên đến, tự nhiên có và ông chỉ việc hạnh phúc đón nhận tất cả, nhất là tình yêu.
Nhiều người thích bài thơ trên của ông, nhất là một số đàn ông có chức sắc, đã ngạc nhiên và vui thích trước 2 câu thơ cuối, đến nỗi nó trở thành câu thơ đầu môi của các anh “ Và em, để tôi yêu ”. Không phải dễ ai cũng có được niềm hạnh phúc như thế khi thơ mình được nhớ, được trân trọng và đi cùng người hâm mộ như một lẽ sống để theo.
Những người chơi đủ sâu với Nguyễn Hoa còn biết được một tầm vóc thơ vạm vỡ, mạnh mẽ ẩn sau hình hài người đàn ông lành hiền, lặng lẽ quen thuộc ấy. Nguyễn Hoa từng lập ngôn với những câu thơ đầy khí phách như “ Tôi tuổi mặt trời ”, nhưng thời những năm 70 của thế kỷ trước, ý thơ như vậy rất khó đăng báo, nhà thơ đành tự biên tập câu thơ đó thành “ Tôi tuổi đồng đội ”.
Không chỉ là chuyện tự biên tập thơ trong một thời còn những ấu trĩ trong quan điểm, tư tưởng mà chuyện cái tên của Nguyễn Hoa cũng là hệ quả của sự ấu trĩ ấy. Tên khai sinh của ông vốn là Nguyễn Hoa Kỳ, ông không hiểu lý do ngọn ngành việc bố mẹ ông chọn cái tên ấy khi sinh ra ông năm 1947, có lẽ là nghĩ đến hình ảnh cờ hoa rực rỡ mà thôi. Nhưng thời thập niên 70 khi ta đang có chiến tranh với Mỹ thì cái tên của ông khiến bất cứ ai làm công tác tổ chức cũng e ngại. Khi kết nạp Đảng, ông phải đổi tên thành Nguyễn Hồng Kỳ. Khi muốn có thơ đăng báo, người ta sửa thẳng tên Nguyễn Hoa Kỳ thành Nguyễn Hoa. Từ đó, nhà thơ đành chấp nhận rút ngắn tên mình trong bút danh. Nỗi buồn bị đổi tên, xén tên đó, Nguyễn Hoa cũng ít khi chia sẻ, ông chỉ lặng lẽ giữ cho mình, lặng lẽ làm chứng nhân cho những điều ấu trĩ trong quá khứ. Rồi mọi thứ sẽ qua đi mà thôi. Điều đọng lại với thời gian là những vần thơ không lặng lẽ như người.
Đọng lại một khối tình
Thật lạ khi Nguyễn Hoa hiền lành, ít nói như vậy lại chơi thân với những tên tuổi cá tính mạnh như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha... Đặc biệt là Nguyễn Trọng Tạo ăn nói đáo để, uống rượu như hũ chìm, quan hệ rộng rãi với toàn những người nổi tiếng, nhất là những phụ nữ vừa đẹp vừa tài thì khi đi bên cạnh Nguyễn Hoa, hẳn mọi người sẽ thấy lạ. Dễ thấy cảnh khi Nguyễn Trọng Tạo vừa xuống xe, mọi người ai cũng biết ông, xúm xít lại vây quanh cười nói tay bắt mặt mừng, nhất là những phụ nữ đẹp, còn Nguyễn Hoa thì hình như chẳng ai biết nên ông ý tứ lùi lại phía sau đợi Tạo một cách kiên nhẫn, môi vẫn nở nụ cười hiền.
Tuy khác nhau về tính cách như vậy nhưng họ thân nhau lắm. Nguyễn Trọng Tạo biết Nguyễn Hoa không uống rượu được nhưng thỉnh thoảng biết trong cuộc vui có nhiều món ngon thì vẫn bảo Hoa đến, nói chân thành: “Thức ăn ngon lắm, ông cứ ăn đi, rồi uống chút rượu, say thì về ngủ nhé”. Đó là cách Tạo thương Hoa. Rồi cũng chính Nguyễn Trọng Tạo tự tay thiết kế bìa sách cho Nguyễn Hoa mỗi khi nhà thơ lặng lẽ này có một tập thơ trình làng. Tạo thường dùng tranh Picasso làm hình chủ đạo khi thiết kế bìa sách cho Hoa, có lẽ vì ông đánh giá cao chất thơ của bạn mình. Tình bạn giữa hai ông kéo dài hơn 3 thập niên, không thể so sánh với bất kỳ hình thức sống nào khác, thiết tha mà cũng thân thương, mộng mơ như một thế giới tình người thật sự khác biệt.
Nhớ bạn mình, khi Nguyễn Trọng Tạo mất đi rồi, Nguyễn Hoa in tập thơ mới vào mùa xuân năm 2019, vẫn lấy lại bìa sách mà trước đây Tạo đã thiết kế cho mình. Ông cho rằng đó là bìa sách đẹp nhất của ông. Chiêm nghiệm lại tình bạn giữa ông với Nguyễn Trọng Tạo hay Nguyễn Thụy Kha và một số bạn thân khác trong giới văn thơ, Nguyễn Hoa cho rằng sở dĩ họ chơi với nhau khăng khít, mặc cho những khác biệt như nước với lửa trong tính cách là do họ nhìn ra tài năng trong nhau, trân trọng nâng niu tài năng của nhau. Còn tất cả những điều khác như quan hệ, tước vị, tiền, phụ nữ, xe cộ, nhà đất... đều không thể ảnh hưởng tới mối thâm tình của họ.
Sẽ tiếp tục vượt qua
“Trẻ dễ vui. Già dễ buồn”. Không biết có phải quy luật ấy cũng vận vào nhà thơ Nguyễn Hoa hay không nhưng ông chia sẻ rằng rất thường buồn. Nỗi buồn không cào cấu mà sâu và cứ đến mỗi đêm. Có khi không ngủ được, ông lặng lẽ ra khỏi giường, gắng không để vợ biết mà lo lắng. Nỗi buồn thi nhân, có khi không vì một điều gì cụ thể, hay ai đó cụ thể mà nó tích tụ, nó lắng đọng từ suốt chiều dài đường đời, số phận, nó khiến nhà thơ không thể ngủ yên. Và chính những thời khắc đó, nỗi buồn trở thành động lực, thành cái cắc cớ mà nhà thơ muốn ngồi vào bàn, viết những dòng thơ trăn trở hoặc da diết hay mộng mơ... Sức mạnh vô hình của tinh thần chỉ có thể diễn tả thông qua ngôn từ của thi ca mà thôi.
Thơ ca cũng chính là cuộc đời, là cách nhà thơ chiêm nghiệm chính mình, lối sống của mình. Với Nguyễn Hoa thì làm thơ không phải để làm danh, để nổi tiếng, thơ là trải nghiệm sống đặc biệt nhất, rút tỉa tinh túy và vẻ đẹp của cuộc sống trong ngôn từ thần thánh thì dù là nỗi buồn sâu biết bao nhiêu dịch thuật quảng trị cũng trở thành niềm hạnh phúc trong thi ca. Chính thi ca tôn vinh giá trị tinh thần của đời sống thi nhân là vì thế. Dù đời sống ấy có mãnh liệt hay đau đớn hoặc bình dị lặng lẽ... thì cũng chỉ tiếp thêm chất liệu để đôi cánh thi ca bay lên mà thôi. Đó là cách mà Nguyễn Hoa vượt qua nỗi buồn, thi vị hóa nỗi buồn thành thơ ca.
Cuối năm 2018, Nguyễn Hoa lên bàn mổ. Ông bị khối u tiền liệt tuyến. Đó không phải là lần đầu tiên ông phải phẫu thuật. Nhưng trước đó, ông không căng thẳng, không lo mình sẽ chết. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn bảo Nguyễn Hoa rằng: “Tôi nghe giọng ông sang sảng lắm, ông còn khỏe, sống qua tuổi 90, trận này không hạ ông được đâu”. Quả vậy, Nguyễn Hoa đã vượt qua cuộc phẫu thuật, trở lại với công việc tại Hội Nhà văn Việt Nam, vẫn chu đáo với công tác hội viên và từng hội viên như tính ông vốn thế.
Hàng ngày, khi đi làm về, nhà thơ Nguyễn Hoa đi bộ 4 vòng quanh hồ sinh thái Kim Đồng gần khu nhà ông và gia đình trú ngụ. Trong nhiều môn luyện tập để bảo vệ sức khỏe, Nguyễn Hoa cảm thấy đi bộ phù hợp nhất với mình. Bên cạnh việc rèn luyện thì chế độ ăn khỏe với thực phẩm chọn lọc và chất lượng, ăn vừa phải, không quá no là tiêu chí ông giữ mình hàng ngày. Bài thơ hay nhất có lẽ vẫn chờ ông viết, con trai ông dù đã ở tuổi trung niên vẫn cần lời khuyên hữu ích của bố mình. Những cái cớ đáng yêu ấy vẫn đang tiếp thêm sức sống cho nhà thơ lặng lẽ này.
Kiều Bích Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét