Cả trẻ em và người lớn đều mắc bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết...
Tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, từ đầu tháng 10/2019 đến nay, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đã gia tăng. BS. Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virut - Ký sinh trùng của BV cho biết, trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện. Thậm chí, có gia đình cả 5 người cùng mắc sốt xuất huyết. “Số ca mắc sốt xuất huyết tuy chưa bằng năm 2017, song cũng là điều đáng báo động. Các bệnh nhân nhập viện có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Với trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, cần nhập viện điều trị, theo dõi để xử lý kịp thời”- BS. Nguyễn Kim Thư lưu ý.
Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày BV Nhi TW tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ tới khám và nhập viện, trong đó có từ 30% đến 40% mắc các bệnh về hô hấp. PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, hiện nay, nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Khi sự biến đổi nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu. Bên cạnh đó, các virut gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền nhanh hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm và đường hô hấp là nơi nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập.
Giao mùa cũng là thời điểm bệnh nhân mắc các bệnh về tai mũi họng tăng lên, nhất là bệnh nhân có cơ địa dị ứng. Theo PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai mũi họng TW, hiện trung bình mỗi ngày, BV khám khoảng 1.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân mắc các bệnh viêm mũi, xoang chiếm khoảng 30%...
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: TM
Tại BV Thanh Nhàn, những ngày qua, Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Thanh Nhàn) đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. BS. Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, BV Thanh Nhàn cho biết, nếu như vào thời điểm tháng 7 và tháng 8/2019, BV chỉ tiếp nhận rải rác bệnh nhân sốt xuất huyết, thì đến cuối tháng 9 và trong tháng 10, số lượng bệnh nhân tăng gấp đôi, có lúc lên đến 10-15 ca/ngày. Hiện tại, khoa đang điều trị cho khoảng 25 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Vẫn còn tình trạng người dân chủ quan với sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, nhất là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu - đông. Do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào, kể cả bệnh cúm mùa rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa cũng rất nguy hiểm. Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, khám sàng lọc phân loại, tổ chức phân tuyến điều trị. Cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra ở thời điểm này để chủ động phòng ngừa...
Cũng về công tác phòng chống dịch bệnh, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống chiều ngày 31/10, ông Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 27/10, cả nước Dịch thuật tại Thái Bình đã ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 50 trường hợp tử vong. Tuy nhiên tỷ lệ tử vong này ở Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và thế giới. Ngay tại Philippines, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 400.000 ca sốt xuất huyết với gần 2.000 ca tử vong.
Về công tác phòng chống sốt xuất huyết, ông Phạm Hùng cho biết từ tháng 4/2019 đến nay, các đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến các vùng trọng điểm sốt xuất huyết, yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh. Qua kiểm tra, ở một số nơi, người dân vẫn chủ quan trong phòng bệnh. Thậm chí, có nơi người dân không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi, hay đóng cửa không cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra và tìm diệt ổ bọ gậy.
Đến nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đã chững lại nhưng số mắc vẫn rất cao, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, 63 tỉnh, thành phố đều có bệnh nhân sốt xuất huyết.
Nguyễn Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét