BHYT góp phần chia sẻ gánh nặng chi phí cho bệnh nhân ung thư
Đây là hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội nghị khoa học toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề Quản lý các Bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở ở các nước Đông Nam Á.
Tham dự hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Hội Y học các nước Đông Nam Á, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng các chuyên gia đầu ngành, đại biểu đến từ các Vụ, Cục, của Bộ Y tế; các ban của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các bệnh viện, Viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ trong nhóm các bệnh không lây nhiễm hiện nay, ung thư là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 12,7 triệu người mới mắc và 7,6 triệu người tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, tính đến năm 2018, mỗi năm có khoảng 165.000 ca mới mắc, tỷ lệ tử vong/100.000 dân là 104,4 đứng thứ 130/186 quốc gia có báo cáo số liệu ung thư. Những con số trên là hồi chuông cảnh báo thực trạng người bệnh thường đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn.
PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên phát biểu khai mạc.
Hiện nay, với sự tiến bộ ngành công nghiệp dược, một số hãng dược phẩm đã nghiên cứu và phát minh ra những loại thuốc tiên tiến, mang tính đột phá trong điều trị ung thư, các thuốc miễn dịch này đã được các hãng dược phẩm phát minh đưa vào Việt Nam.
Ngoài các quy định chi trả từ quỹ BHYT đã được triển khai, các chương trình hỗ trợ bệnh nhân thông qua việc hỗ trợ bằng thuốc (Glivec, Tacevar), giảm giá thuốc, thông qua Quỹ NMTS (Nexava) đã tạo cơ hội tiếp cận thuốc mới và giảm bớt một phần gánh nặng chi phí cho người bệnh.
Tuy nhiên, với công nghệ sản xuất tiên tiến và sự đầu tư lớn trong quá trình nghiên cứu sản phẩm, chi phí điều trị với những loại thuốc này khá cao nên rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam có thể tiếp cận điều trị với những thuốc này. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nó cũng là một vấn đề thách thức ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Làm thế nào để các bệnh nhân ung thư có thể tiếp cận được với các liệu pháp điều trị tiên tiến, có thể kéo dài thêm sự sống, giảm bớt nỗi đau cho mỗi gia đình, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho xã hội? Đó cũng là một câu hỏi đang được các nhà quản lý, xây dựng chính sách y tế, các nhà lâm sàng quan tâm.
Phối hợp công tư, tăng ngân sách cho Quỹ BHYT từ thuế rượu, bia, thuốc lá nhằm đảm bảo nguồn kinh phí chi trả cho thuốc mới...
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm: Trong các bệnh ung thư tại Việt Nam thì ung thư gan, phổi và dạ dày có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất. Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao do thường được phát hiện muộn
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nay đã có thêm liệu pháp điều trị miễn dịch ung thư với cơ chế là kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp điều trị miễn dịch ung thư mở ra cơ hội sống thêm nhiều tháng, nhiều năm hơn cho bệnh nhân ung thư. Giải Nobel Y học 2018 đã được trao cho hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo vì công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng phương pháp này.
Tuy nhiên, chi phí của liệu pháp điều trị tiên tiến này còn khá cao nên cần có những giải pháp giúp bệnh nhân có Dịch thuật tại Thái Nguyên thể tiếp cận được. Tại một số quốc gia trong khu vực, chính phủ đã phối hợp với các công ty dược để đưa ra giải pháp đảm bảo nguồn ngân sách cũng như tiếp cận bền vững cho bệnh nhân như: Các chương trình hỗ trợ bệnh nhân một phần thuốc điều trị từ các công ty, đặt mức trần chu kỳ điều trị được thanh toán bảo hiểm kết hợp với tỷ lệ chi trả hợp lý trong danh mục thuốc được BHYT chi trả; đàm phán nhằm đạt thỏa thuận giá theo số lượng sử dụng, hoặc tăng ngân sách cho Quỹ BHYT từ thuế rượu, bia, thuốc lá nhằm đảm bảo nguồn kinh phí chi trả cho thuốc mới hàng năm...
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thảo luận và đóng góp những ý kiến tích cực, chia sẻ kinh nghiệm quản lý quỹ bảo hiểm từ các quốc gia trong khu vực nhằm tìm ra những giải pháp mang tính khả thi, áp dụng trên cơ sở phối hợp đa ngành, công - tư, Bộ Y tế - công ty nhằm giúp bệnh nhân ung thư tiếp cận nhanh chóng và bền vững với những liệu pháp điều trị ung thư mới nhất. Đó cũng là giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và thực hiện hiệu quả Chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Phạm Tống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét