Có lẽ năm Y3, môn tôi học tốt nhất là ngoại khoa vì được làm nhóm trưởng, liên hệ thầy cô để giảng bài, do vậy học hành cũng nghiêm túc hơn môn khác. Sang học kỳ 2 năm ấy, tôi thực tập nội tại Bệnh viện Chợ Rẫy và cuối năm học ấy, tôi mới bắt đầu chọn đi thực tập thêm. Tôi chọn đi trực và học thêm nội tiêu hóa.
Người anh đầu tiên giúp tôi chọn lựa chuyên khoa
Trong thời gian ở Bệnh viện Chợ Dịch thuật tại Cà Mau Rẫy, tôi quen một anh bác sĩ học định hướng chuyên khoa nội soi tiêu hóa. Khi mà anh em đủ thân, anh kể tôi nghe về chuyện nghề. Xuất thân từ bác sĩ gây mê hồi sức, nhưng vì một số lý do nên anh quyết tâm theo học siêu âm, sau đó học tiếp sơ bộ nội tiêu hóa và học thêm nội soi tiêu hóa. Với sinh viên Y3 thì tôi thấy chuyện này là anh hùng lắm. Lúc vui, anh hỏi tôi, sao không chọn cái khác mà theo làm nội cực lắm lại không có tiền. Trong đó, anh gợi ý ngoại chỉnh hình là xu hướng. Rồi anh dẫn dắt những câu chuyện của bác sĩ ngoại khoa anh đã từng gặp, một số trường hợp làm cũng nhàn và cũng có chút thu nhập...
Sinh viên y khoa đi thực tập tại bệnh viện.
Người thầy dắt tôi vào chuyên môn
Tôi đến xin trực thêm cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Chính nơi này đã gắn bó khoảng thời gian sinh viên còn lại của tôi tới lúc ra trường. Vì làm nhóm trưởng Y3 thực tập ngoại nên không khó để tôi xin thầy cho mình đi theo tua trực nhằm trực thêm ngoại tiêu hóa. Trong lúc đi theo các thầy trực ngoại tiêu hóa, tôi gặp tua trực của một anh khoa chỉnh hình. Lúc ấy, tua trực bên Bệnh viện Gia Định chỉ trực một người, bệnh nhân thì đông nên bác sĩ trực ra vào cấp cứu và phòng mổ nhiều. Thấy anh dễ gần, tôi cũng xin vào phụ mổ và theo khám bệnh làm hồ sơ. Anh vui vẻ nhận lời ngay.
Khi đi theo phụ mổ với anh, anh hỏi: Em thích gì. Tôi cũng nói thật là hiện ban ngày đang đi thêm bên Bệnh viện Chợ Rẫy, ban đêm đi theo ngoại khoa xem có hợp không. Anh khuyên tôi làm chỉnh hình, tôi e ngại vì thân hình khá nhỏ sợ không đủ sức lực làm việc. Và anh dẫn chứng: Người nhỏ vẫn làm chỉnh hình được, cứ giỏi như thầy Tăng Hà Nam Anh thì đâu cần phải ngoại hình to (thầy Nam Anh - bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình thời điểm ấy là giảng viên Đại học Y Dược và là người có vị thế ở trong nước).
Tôi thích ngoại, chỉ e ngại mình nhỏ con nên không dám mơ, giờ thì có thêm quyết tâm để theo. Khi tôi hay đi thêm trong khoa chỉnh hình thì gặp một anh đã dạy tôi rất nhiều. Anh bảo bác sĩ mổ bằng cái đầu, chứ đâu phải là thợ máy mà cần to cao vạm vỡ. Thế là sau kỳ hè năm ấy, tôi xin phép nghỉ đi thêm nội để chuyên tâm trực ngoại chỉnh hình.
Nghề chọn người
Nhiều năm sau đó, tôi tập trung học thêm chỉnh hình và ra trường làm đúng nghề mình chọn. Thế rồi năm 2015, khi học sau đại học, một chuyện không vui xảy ra: Tôi bị u xương bàn tay. Có nhiều phương pháp điều trị gây tranh cãi lúc ấy, tôi quyết tâm chọn cách điều trị triệt căn bằng cách cắt bỏ xương bàn và ngón tay tương ứng. Câu chuyện này khiến tôi không thể không suy nghĩ một lần nữa về các chuyên khoa mình sẽ theo. Vì vậy, một lần nữa (có thể là cả một năm trời) tôi loay hoay đi tìm cho mình một hướng đi mới. Các chuyên khoa lần lượt xuất hiện như chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, nội cơ xương khớp và gần đây nhất là nội thần kinh... Mỗi thứ tôi đều xem xét về xu hướng phát triển, khả năng xin được việc, khả năng bản thân phát triển về sau này và kết hợp những thứ đó với đặc điểm của chính mình.
Cũng trong thời gian này, tôi đã thử qua nhiều vị trí như nghiên cứu khoa học, cán bộ phòng kế hoạch tổng hợp, xây dựng dự án y khoa, làm bác sĩ ở phòng khám quốc tế, dạy tiếng Anh y khoa và xuất bản sách. Và cái duyên đã đưa tôi đến với việc dạy tiếng Anh y khoa và xuất bản sách. Bây giờ không còn làm ngoại khoa mà tôi lui về khám bệnh cơ xương khớp và cũng tạm an tâm với nghề.
Là người gặp rất nhiều khó khăn và lắm chông gai, nhưng tôi nghĩ, có trải nghiệm, có gian nan và nhiều khi nghề chọn mình...
BS. Nguyễn Thái Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét