Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Ứng dụng hệ thống phần mềm tích hợp và kết nối các thiết bị điện tử y sinh: Giảm chi phí, tăng lợi ích

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế mang lại nhiều lợi ích như: Các thủ tục hành chính sẽ nhanh gọn hơn, tình trạng “chữ bác sĩ” không còn và tất cả thông tin về quá trình điều trị bệnh nhân được công khai, lưu giữ suốt đời, giúp việc quản lý bệnh nhân nhanh chóng và chính xác. Tuy nhiên, hiện ở nước ta mới chỉ có khoảng 10% bệnh viện áp dụng công nghệ thông tin để quản lý bệnh viện.

Rút ngắn thời gian điều trị

Tây Bắc là khu vực hết sức khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 25,6%, số huyện nghèo chiếm 70%, số xã đặc biệt khó khăn chiếm 50% của cả nước. Nhiều gia đình ở Tây Bắc đang phải sống trong những căn nhà tạm bợ, điều kiện sống, sinh hoạt rất thiếu thốn… Chính vì vậy, việc khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân Tây Bắc rất hạn chế.

Đứng trước thực trạng trên, các nhà khoa học ở Trường Đại học Nguyễn Tất Dịch thuật công chứng Thủ Dầu 1 Thành đã thực hiện đề tài “Ứng dụng triển khai hệ thống phần mềm tích hợp và kết nối các thiết bị điện tử y sinh và mạng truyền thông nhằm hỗ trợ theo dõi sức khỏe và dịch tễ cộng đồng khu vực Tây Bắc”. Hệ thống do các nhà khoa học phát triển cho phép tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các trạm y tế xã với các tuyến y tế huyện, tỉnh và trung ương tại Hà Nội. Nhờ đó, người bệnh ở vùng khó khăn có thể đến các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh kiểm tra các thông số. Các thông tin này sẽ được tự động tải và xử lý trên đám mây cơ sở dữ liệu rồi chuyển về tuyến trung ương. Sau đó, bác sĩ sẽ  tư vấn cho bệnh nhân mà không cần gặp trực tiếp, hay nói cách khác là tư vấn từ xa.

Một sản phẩm khác của các nhà khoa học là máy theo dõi bệnh nhân đa thông số. Máy có các chức năng: Đo, theo dõi các chỉ số của bệnh nhân bao gồm nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, nhịp tim, nồng độ bão hòa oxy trong máu, điện tâm đồ. Máy cũng hiển thị các thông tin trực tiếp và liên tục lên màn hình của máy đo; truyền dữ liệu của bệnh nhân về máy tính theo dõi trung tâm đặt ở phòng trực của các bác sĩ thông qua wifi, nhờ đó, các bác sĩ có thể theo dõi được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân từ xa mà không cần phải tới tận giường bệnh để quan sát. Việc này cũng rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí cho bệnh viện cũng như bệnh nhân.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xây dựng Bộ công cụ nghiên cứu về 4 nhóm bệnh phổ biến ở vùng Tây Bắc bao gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản và lao phổi nhằm thu thập đầy đủ các thông tin như đặc điểm, dấu hiệu đặc trưng, triệu chứng, hoàn cảnh của người bệnh theo từng nhóm bệnh cụ thể. “Các thông tin thu thập được từ Bộ công cụ nghiên cứu sẽ được số hóa để lưu trữ vào bệnh án điện tử cho từng bệnh nhân trong cơ sở dữ liệu của hệ thống. Các bệnh án điện tử này ngoài việc để lưu trữ còn được sử dụng vào việc khai thác, phân tích và phân chia bệnh dựa trên các số liệu, tiêu chuẩn, từ đó góp phần vào việc chẩn đoán bệnh, phân loại tình trạng sức khỏe của bệnh nhân một cách dễ dàng", PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng, Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Các thông số về bệnh nhân được hiển thị khi kết nối với máy monitor.

Không còn nỗi lo "chữ bác sĩ"

Dựa theo mô hình bệnh viện thông minh đang được triển khai trên thế giới, các nhà nghiên cứu xây dựng hệ thống theo dõi và thống kê sức khỏe cộng đồng và tập trung vào ứng dụng bệnh án điện tử của các bệnh nhân thuộc 4 nhóm bệnh phổ biến trên tại vùng Tây Bắc. Hệ thống này có ý nghĩa quan trọng bởi nó tạo ra sự liên kết giữa các tuyến bệnh viện với nhau. "Thông thường, một bệnh nhân không chỉ khám chữa bệnh ở một bệnh viện mà điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau. Do đó, nếu thông tin được liên kết, các bác sĩ sẽ truy xuất được vào bệnh án đã có của bệnh nhân để có phương án điều trị phù hợp mà không cần phải làm lại xét nghiệm và nhập lại các thủ tục bằng giấy nữa. Nó đồng thời giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như của các y bác sĩ", PGS. TS. Nguyễn Thị Trang, thành viên tham gia đề tài giải thích.

Hệ thống cũng khắc phục được những hạn chế trong việc lưu trữ và xử lý thông tin về bệnh nhân tại các cơ sở y tế khi thực hiện trên giấy tờ, sổ sách như: Lượng thông tin lưu trữ quá lớn, công tác tìm kiếm khó khăn. Ngoài ra, nó còn giúp xây dựng các biểu đồ thống kê của từng nhóm bệnh theo từng độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, cũng như đặc điểm về bệnh trên tổng số bệnh nhân, hoặc hiển thị theo từng vùng, từng cơ sở khám chữa bệnh. Với chức năng này, các y bác sĩ sẽ có cái nhìn tổng quan về từng nhóm bệnh hiện nay ở vùng Tây Bắc.

"Hệ thống còn giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang đi tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Người bệnh cũng không lo nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải gặp khó khăn khi đọc chữ viết của bác sĩ, đồng thời dễ dàng theo dõi và xem lại các chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe của bản thân, từ đó chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân theo lời khuyên và tư vấn của các bác sĩ", PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thêm.

Kết quả thử nghiệm bước đầu

Để đánh giá sản phẩm, nhóm nghiên cứu đã triển khai thử nghiệm các thiết bị và hệ thống tại các cơ sở y tế như: Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu... Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, nghiên cứu và thử nghiệm hệ thống theo dõi sức khỏe gồm: Máy theo dõi bệnh nhân đa thông số; máy đo huyết áp bắp tay tự động; phần mềm tiếp nhận ảnh DICOM từ các máy chụp X-quang, siêu âm... Kết quả, các máy đo huyết áp hoạt động tốt từ lúc bắt đầu đo cho tới lúc hiển thị các thông số đo và gửi, truyền tin nhắn dữ liệu thông qua SMS và GPRS. Phần mềm hệ thống theo dõi monitor trung tâm hoạt động ổn định, truyền về các thông số đo của bệnh nhân liên tục theo thời gian, phần mềm tiếp nhận ảnh DICOM từ máy X-quang, siêu âm hoạt động ổn định.

Đánh giá về hệ thống máy móc, ông Đinh Văn Hưởng, bệnh nhân ở Phòng khám các bệnh mạn tĩnh - người cao tuổi, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu vui vẻ cho biết: "Máy đo huyết áp rất dễ sử dụng, áp suất của túi khí tác dụng lên bắp tay không quá chặt nên tôi cảm thấy rất dễ chịu".

Trước kết quả các thiết bị điện tử y sinh như máy theo dõi bệnh nhân monitor, máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, máy X-quang và máy siêu âm đều hoạt động tốt, thu được kết quả khả quan và được các y bác sĩ đánh giá cao,  bác sĩ Hoàng Tiến Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Mộc Châu tỏ ý muốn triển khai và tích hợp hệ thống của đề tài để việc chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt hiệu quả cao.

Từ thành công này, nhóm các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hy vọng những kết quả của đề tài sẽ được triển khai không chỉ ở Tây Bắc mà trên cả nước nhằm góp phần giúp đỡ các bệnh viện, y bác sĩ theo dõi, chăm sóc và khám chữa bệnh tốt hơn cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo.

Lâm Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét