Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Ðể không là nạn nhân ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng chống ngộ độc.

Sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 10 tháng của năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 1.668 người bị ngộ độc (trong đó có 9 trường hợp tử vong). PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao cũng là lúc gia tăng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, trong dịp Tết, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp 10 lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Cùng với đó, thời tiết mưa phùn ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

Các chuyên gia an toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng. Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, có thể thấy vấn đề ATTP dịp cuối năm vô cùng quan trọng, nếu không được chú trọng thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Theo Cục ATTP, để đảm bảo ATTP Tết Canh Tý và mùa lễ hội Xuân 2020, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP vừa ban hành kế hoạch thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP ở 12 tỉnh thành trọng điểm gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương, Điện Biên, Lai Châu, TP.HCM, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cà Mau, Bạc Liêu.

ngộ độc thực phẩm Cần chọn mua thực phẩm an toàn.

Ngoài thời gian công tác từ 2/1 -15/1/2020, đoàn sẽ kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết mùa lễ hội Xuân 2020...  Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương yêu cầu công tác thanh kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Tránh lựa chọn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn, các chuyên gia ATTP lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn. Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm... Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các chuyên gia cũng lưu ý, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn...

Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét