Anh Hưng, một người họ hàng đưa ông Bằng đến viện, ngồi bên cạnh chờ đợi bác sĩ, đôi mắt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Cũng chính tại đây sáng hôm qua, anh đến đón ông Bằng từ viện về nhà khi hết đợt điều trị 60 ngày. Song, "hôm nay gia đình quyết định đưa ông trở lại viện vì ở nhà không có ai trông coi được", anh Hưng nói.
Bác sĩ Bùi Thị Thanh Hải, Trưởng Khoa điều trị người bệnh mạn tính, bước vào phòng khám. Anh Hưng ra dấu hiệu để ông Bằng đứng dậy. Bằng một, hai câu giao tiếp chóng vánh, anh gửi ông cho bác sĩ rồi vội vàng ra về. Bác sĩ Hải nhìn bệnh nhân với ánh mặt thân thuộc. Nhiều năm trôi qua, bác sĩ đã quá quen với ông Bằng, cũng như quen cái cách vội vã mỗi khi người nhà đưa ông đến viện. Chị dẫn ông trở lại khu điều trị bệnh nhân tâm thần.
Vẫn là khung cảnh thân quen: một chiếc sân với vài bệnh nhân đang chơi cầu lông, một vài bệnh nhân khác ngồi đọc báo, một vài người đi lại, vận động. Ông Bằng tự động ngồi vào ghế, cạnh các bệnh nhân khác, khoanh tay, úp mặt xuống, sống trong thế giới nội tâm riêng.
Các bệnh nhân tâm thần mạn tính tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Ông Bằng là bệnh nhân tâm thần phân liệt lâu năm nhất tại đây, bị bệnh từ những năm 1974 -1975, điều trị nhiều đợt nên suy giảm khả năng nhận thức. Thông thường những bệnh nhân tâm thần mạn tính, gia đình đưa vào viện, khi nào ổn, bác sĩ sẽ báo để người nhà đến đón về, một thời gian sau bệnh tái phát thì lại đưa vào viện. Chỉ riêng gia đình ông Bằng là "cứ hôm trước đưa về, hôm sau đưa vào ngay", bác sĩ Hải nói.
47 năm mắc bệnh, ông Bằng giờ chỉ còn những cảm xúc khô lạnh, vui không vui hẳn, buồn không buồn hẳn. Lúc nào ông cũng ngồi một chỗ, không muốn giao tiếp, không muốn vận động, sống không có mục đích. Sau mỗi lần bệnh tái phát, ông ít vận động hơn một chút, cảm xúc bị cùn mòn đi và không thể tự chăm sóc bản thân.
Người nhà thường đưa bệnh nhân đến viện xong không bao giờ thăm, Tết cũng chẳng đón về. Chỉ có một vài gia đình đến thăm khi bệnh nhân mắc mới, còn những trường hợp lâu năm như ông Bằng không có người nhà. "Trước đây ông còn có cảm giác nhớ nhà, mong muốn mau khỏi bệnh để được về với gia đình. Bây giờ ông mất đi cảm xúc, chỉ ngồi như vậy, ai hỏi gì nói nấy, bảo gì làm nấy, còn không bảo thì cứ ngồi như vậy thôi", bác sĩ Hải kể.
Thời gian quá lâu khiến người thân của ông Bằng không còn nhớ rõ mọi việc đã xảy ra như thế nào, chỉ nhớ lần đầu tiên ông vào viện khám tâm thần là khi xuất hiện những biểu hiện lạ như nói một mình, bỗng dưng khóc, bỗng dưng làm những hành động kỳ dị, ít giao tiếp với mọi người xung quanh... Lúc đó ông mới 20 tuổi, các bác sĩ chẩn đoán bị tâm thần phân liệt.
Sau đợt điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, tâm thần ông Bằng bình thường trở lại mới kể bệnh là do xuất hiện tiếng nói lạ trong đầu. Những âm thanh đó chửi bới, sai khiến, ra lệnh ông làm việc. Ông cảm thấy "như có ma nhập vào người điều khiển", cảm giác sợ hãi thường trực, sợ có Dịch thuật tại Đắk Lắk người theo dõi và làm hại mình. Có lần ông bỏ thuốc không uống nên tình trạng ảo thanh lại xuất hiện, lại phải vào viện.
"Bệnh tâm thần phân liệt rất dễ tái phát nếu bỏ thuốc", bác sĩ Hải nói. "Nhiều lần như thế, bệnh nhân sa sút dần, trở thành một vòng luẩn quẩn, cứ tái phát, lại sa sút, lại tái phát...".
Ông Bằng đáp ứng rất kém với các thuốc điều trị. Ban đầu ông nằm viện trong tâm trạng buồn chán, lúc nào cũng mong ngóng người thân đến đón về nhà. "Ngày nào ông cũng lặp lại câu: bác sĩ gọi điện hỏi người nhà giùm tôi với, người nhà tôi hứa 23 Tết sẽ đón về". Thế nhưng chờ không có người thân đến, ông bắt đầu có những phản ứng tiêu cực như gây gổ, tự gây thương tích, có ý định trốn viện... Cũng có những thời điểm điều trị bằng thuốc bệnh nhân rất ổn, mọi giao tiếp, vận động, sinh hoạt có thể làm chủ và tự chăm sóc được bản thân.
Bệnh nhân tâm thần với tư thế bó gối đã trở nên quen thuộc. Ảnh: Thúy Quỳnh |
Khoa Tâm thần mạn tính có 70 bệnh nhân, khoảng 50 người tâm thần phân liệt. Thời gian điều trị theo liệu trình 60 ngày, thông thường điều trị hết đợt là bớt và về nhà tự uống thuốc.
Bác sĩ Hải cho biết, bệnh tâm thần phân liệt thường khởi phát ở tuổi 18-25. Nguyên nhân của bệnh tâm thần phân liệt đến nay chưa rõ ràng, tuy nhiên một số yếu tố được cho là có liên quan đến việc phát sinh và tiến triển bệnh như môi trường, yếu tố căng thẳng tâm lý... 10 năm, 20 năm, 30 năm sau, bệnh nhân tái phát nhiều lần sẽ bị sa sút trí tuệ, mất dần khả năng lao động. Vì vậy, tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, ngoài việc điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, những bệnh nhân tâm thần mạn tính như ông Bằng được lao động để phục hồi tập tính cá nhân.
Mô hình bệnh viện là không gian mở có kiểm soát. Buổi sáng, các bác sĩ sẽ gọi bệnh nhân dậy, nhắc đánh răng, vệ sinh cá nhân. Ông Bằng được hướng dẫn tỉ mỉ như đi dép để không bị trái, mặc quần áo ra sao, cài cúc áo thế nào... Bác sĩ đo mạch, huyết áp, kiểm tra những bất thường. Đến 10h, bệnh nhân xếp hàng tại sân uống thuốc. Thời gian còn lại, ông được tham gia một số hoạt động như trồng rau, đánh cờ, đọc báo, chơi cầu lông để hòa nhập xã hội. Hàng tuần tại viện tổ chức những buổi hát karaoke, hướng dẫn bệnh nhân đọc báo, chủ yếu các bài báo liên quan đến giáo dục sức khỏe, hoặc xem tivi...
10h mỗi sáng, các bệnh nhân đứng xếp hàng tại sân để uống thuốc. Ảnh: Thúy Quỳnh |
"Nhiều bệnh nhân gắn cả cuộc đời mình ở đây", bác sĩ Hải chia sẻ. "Với ông Bằng nói riêng và các bệnh nhân mạn tính nói chung, chúng tôi coi như người nhà. Gần một đời trị bệnh, thiếu thốn tình cảm từ gia đình nên bệnh nhân phụ thuộc rất nhiều vào các bác sĩ bệnh viện. Cứ mỗi dịp Tết đến, các bác sĩ sẽ chuẩn bị những hoạt động cho bệnh nhân. Song, tôi hy vọng Tết năm nay, gia đình sẽ đón ông Bằng về nhà để ông có một cái Tết ấm cúng hơn".
Bác sĩ Hải cất tiếng gọi tên ông Bằng. Ông nhận thức rất rõ tiếng gọi mình, nhanh chóng tiến lại gần. Sau câu hỏi thăm của bác sĩ, ông nói: "Tôi 67 tuổi, nhà ở Long Biên, Hà Nội", "Bị bệnh lâu quá rồi tôi không còn nhớ rõ từ khi nào"...
Những câu trả lời rành mạch, rõ ràng, song trên gương mặt ông không có chút cảm xúc.
* Tên nhân vật được thay đổi.
Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét