Ảnh minh hoạ
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của trẻ nhỏ. Ngoài ra, khi thời gian bị bệnh kéo dài mà không có sự can thiệp phù hợp cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Do đó, làm sao để có thể kiểm soát bệnh ngay trong giai đoạn đầu là điều rất nhiều phụ huynh quan tâm. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh viêm mũi dị ứng, các biểu hiện và cách phòng tránh bệnh qua các giải đáp và tư vấn của Ban Khoa học - Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM.
Hỏi: Tình hình viêm mũi dị ứng hiện nay ở trẻ em nước ta ra sao? Mức độ ảnh hưởng lên sức khỏe của trẻ là như thế nào?
Ban Khoa học - Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM : Viêm mũi dị ứng là tập hợp các triệu chứng mũi theo sau sự tiếp xúc với các dị nguyên (bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa…) thông qua phản ứng miễn dịch có sự tham gia của một loại kháng thể gọi là IgE, kèm theo sự phù nề niêm mạc mũi và mẫn cảm mũi. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tại TP.HCM là khoảng 39 – 52% 1 , tại Hà Nội là 27,6% 2 và Cần Thơ là 22% 3 .
Bệnh khiến các bé khó chịu, mất ngủ, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, ảnh hưởng đến việc khám phá thế giới xung quanh cũng như khả năng học tập. Nếu không điều trị tốt có thể biến chứng sang viêm tai giữa, viêm xoang và các bệnh lý dị ứng khác như hen suyễn hay viêm da cơ địa.
Hỏi: Làm thế nào để các bậc phụ huynh có con nhỏ dễ dàng nhận biết viêm mũi dị ứng ở trẻ?
Ban Khoa học - Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM : Viêm mũi dị ứng thường được thể hiện qua các triệu chứng như ngứa mũi, chảy mũi nước trong, loãng và/hoặc nghẹt mũi, không sốt, hắt hơi liên tục thành từng tràng, kèm theo chảy nước mắt, ngứa mắt. Các triệu chứng này kéo dài hàng tuần hoặc tháng và thường xảy ra theo mùa, khi thời tiết thay đổi thất thường.
Đối với các bé bị viêm mũi mà bố mẹ không rõ nguyên nhân thì thường là các tình trạng viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên để chắc chắn, khi đến thăm khám, bé sẽ được bác sĩ cho thực hiện một xét nghiệm: nhỏ các giọt chiết xuất dị ứng nguyên thường gặp lên da. Nếu da bé phản ứng với loại nào thì rất có thể đó là nguyên nhân gây bệnh. Một xét nghiệm khác là xác định một loại kháng thể đặc hiệu trong máu của bé, kháng lại với dị ứng nguyên của môi trường 4 .
Hỏi: Những hiểu lầm nào thường gặp trong việc kiểm soát và điều trị viêm mũi dị ứng?
Ban Khoa học - Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM : Phụ huynh dễ bị nhầm lẫn bệnh viêm mũi dị ứng với các triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường, nên thường có xu hướng không đưa bé điều trị sớm.
Sơ với viêm mũi dị ứng, trẻ bị cảm lạnh sẽ ngạt mũi thường xuyên, hắt hơi lẻ tẻ; có triệu chứng mệt mỏi cơ thể, đau cổ họng, có thể kéo dài cả ngày, nặng hơn về đêm, và thường chỉ kéo dài từ 5 – 14 ngày.
Như vậy khi trẻ có triệu chứng viêm mũi kéo dài không rõ nguyên nhân và không kèm theo hiện tượng nóng, sốt, đau họng hoặc mệt mỏi cơ thể thì bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên về nhi khoa, hoặc dị ứng để khám, kiểm tra và có các biện pháp điều trị kịp thời để tránh gặp phải những biến chứng không mong muốn.
Hỏi: Các bậc phụ huynh cần lưu ý gì trong việc chăm sóc cho trẻ bị viêm mũi dị ứng?
Ban Khoa học - Hội Tai Mũi Họng Tp. HCM :
Các bố mẹ cần lưu ý những điều sau:
Trẻ bị viêm mũi dị ứng do thời tiết cần phải được đưa đến bác sĩ để khám và có phát đồ điều trị phù hợp. Tránh để bệnh trở nặng và diễn tiến thành các bệnh hô hấp khác, ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của bé và khó khăn trong điều trị sau này. Hiện nay, các thuốc kháng histamin thế hệ mới (là các sản phẩm có chứa các nhóm hoạt chất như: Fexofenadine, Cetirizine, Acrivastine…) được khuyến cáo trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng ở trẻ. Ưu điểm của nhóm thuốc này là có thể sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, có tác dụng nhanh, kéo dài, không gây buồn ngủ và ít gây ra tác dụng tác dụng phụ hơn so với loại thuốc thế hệ cũ. Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, phụ huynh nên tìm kiếm lời khuyên của bác sĩ để có thể sử dụng các sản phẩm dưới dạng viên dễ uống, dễ lưu trữ và mang theo trong các hoạt động học tập và sinh hoạt thường ngày của trẻ.
Tại gia đình, khi trẻ bị viêm mũi dị ứng, phụ huynh nên rửa mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý, giữ vệ sinh cho trẻ và môi trường xung quanh để tránh cho trẻ tiếp xúc với các dị nguyên. Tiến hành vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế,... để hạn chế ký sinh trùng (mò, mạt) tồn tại và phát triển. Cần giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ và tránh ẩm ướt nhằm hạn chế nấm mốc phát triển. Sử dụng khẩu trang thích hợp cho trẻ khi tham gia lưu thông trên đường để giảm khả năng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nói chung và ô nhiễm bụi mịn nói riêng.
Nguồn thông tin:
(1) Cam Bach Van and al, (2003)” prevalence and severity of asthma and allergies in schoolchildren of HCM City “, medical researches in cooperation with international organizations, Chlidren ‘s hospital
(2) Nga N N and al(2003) ISAAC- based asthma and atopic symptoms among Hanoi scholl children “, Pediatric Allrgy Immunol 14
(3) Hai NG THANH and al (2008) Khảo sát tỉ lệ, mắc bệnh hen phế quản, vmdu và chàm ở trẻ em 13-14 tại TP Cần Thơ, luận án tốt nghiệp ck2, Đhyd tpHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét