Thứ Hai, 2 tháng 12, 2019

Đông Nam Á chạy đua công nghiệp không gian

Các nước châu Á đang đặt cược rằng ngành công nghiệp vũ trụ sẽ tạo động lực tăng trưởng mới, khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu và tình hình tài chính của các chính phủ đang căng thẳng. Philippines là một điển hình.

"Chúng tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này", Joel Marciano, người đứng đầu chương trình không gian tại Bộ Khoa học và Công nghệ Philippines, nói trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review.

Philippines hiện có ba vệ tinh trên quỹ đạo, được phát triển cùng với các trường đại học Nhật Bản. Bí quyết công nghệ vệ tinh đã được áp dụng cho một chương trình giảng dạy tại các trường đại học ở Philippines. Mục tiêu của nước này là xây dựng và ra mắt 4-5 vệ tinh nữa trong vòng vài năm tới.

"Đất nước cần theo kịp ở mức tối thiểu sự phát triển công nghệ toàn cầu", ông Marciano nhấn mạnh. Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây đã ký luật thành lập một cơ quan vũ trụ, nhằm thích ứng với sự thay đổi về kinh tế và địa chính trị.

"Hiện lĩnh vực này tăng trưởng lớn", ông Marciano nói. Hôm cuối tháng 11 vừa qua, ông đã có mặt tại Nhật Bản trong cuộc họp thường niên của Diễn đàn Cơ quan Vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Nagoya.

Vệ tinh DIWATA-1 của Philippines. Ảnh: NASA

Vệ tinh DIWATA-1 của Philippines. Ảnh: NASA

Nhưng không chỉ mình Manila nhìn thấy cơ hội trong "không gian mới". Những năm gần đây, các hoạt động không gian thương mại, như phóng tên lửa và dịch vụ dựa trên vệ tinh cho các doanh nghiệp đã phát triển tại nhiều nơi. Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đều đang tìm cách chiếm được thị phần thị trường này, hoặc chí ít là phải nhập cuộc.

Sự hối hả lao vào kinh doanh vũ trụ cũng phản ánh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của các nước châu Á và cạnh tranh địa chính trị mới nổi trong khu vực. Tuy nhiên, khối chính phủ vẫn thống trị các chương trình không gian ở châu Á. Tại Nhật Bản, 90% đơn đặt hàng phần cứng đến từ chính phủ. Quốc gia này đang cố gắng tăng thị phần của khu vực tư nhân lên khoảng 50%, ngang bằng với Mỹ và châu Âu.

Tại Trung Quốc, hơn 200 công ty công nghiệp không gian tư nhân đã hoạt động. Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia nước này tập trung vào phát triển các công nghệ tiên tiến, và để cho khu vực tư nhân triển khai các chương trình dễ hơn.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang theo đuổi "công nghiệp hóa" công nghệ vũ trụ, cho phép các công ty tư nhân như Korea Aerospace Industries tham gia sản xuất tên lửa và vệ tinh, vốn từng bị thống trị bởi Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc.

Philippines thì thấy rằng họ cần phải có sự chuẩn bị khi SoftBank và SpaceX đã sẵn sàng cung cấp các gói Internet toàn cầu giá cả phải chăng. Đất nước này là quê hương của các hãng điện tử lớn như Integrated Micro-Electronics và Ionics EMS.

Nơi đây cũng nổi danh là một trung tâm dịch vụ gọi tổng đài. Tuy nhiên, trí thông minh nhân tạo và robot đang dần thay thế các nhân viên tổng đài. Do đó, công nghiệp vũ trụ có thể là lựa chọn thay thế.

Quốc gia mới nhất ở châu Á đặt cuộc vào sự bùng nổ của ngành này là Malaysia. Nước này trước đây chỉ mua dữ liệu vệ tinh từ quốc gia khác thay vì theo đuổi chương trình không gian riêng. Nhưng điều đó sắp thay đổi.

"Chúng tôi không thể dựa vào vệ tinh của người khác hoàn toàn. Chúng tôi cần tạo ra một hệ sinh thái tốt trong nước, đặc biệt là về công nghệ vũ trụ. Một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ cần phải có vệ tinh riêng, lĩnh vực vũ trụ của riêng mình", Azlikamil Napiah, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Malaysia nói với Nikkei .

Sự nhấn mạnh đổi mới trong sản xuất được đưa ra khi Thủ Dịch thuật tiếng Malaysia tướng Mahathir Mohamad cố gắng thúc đẩy việc làm và nền kinh tế, cũng như kiểm soát thâm hụt ngân sách.

"Malaysia muốn trở thành một trong những quốc gia hàng không vũ trụ vào năm 2030", ông Napiah nói chính phủ Malaysia đang theo đuổi mối quan hệ đối tác với khu vực tư nhân. "Chính phủ không thể cấp mọi chi phí, vì công nghệ vũ trụ khá đắt đỏ", ông nói thêm.

Một thiết bị không gian trưng bày tại Diễn đàn Cơ quan Vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Một thiết bị không gian trưng bày tại Diễn đàn Cơ quan Vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương vừa diễn ra tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei

Indonesia cũng hy vọng khu vực tư nhân sẽ đáp ứng thách thức xây dựng chương trình tên lửa và vệ tinh riêng trong điều kiện tài chính eo hẹp. Dưới thời chính phủ hiện tại của Tổng thống Joko Widodo, trọng tâm là cơ sở hạ tầng như đường bộ, cảng biển và sân bay, chứ không phải hàng không vũ trụ.

Tuy nhiên, với hơn 17.000 hòn đảo, Indonesia cần nhiều vệ tinh hơn để giám sát biên giới trên biển, cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở các vùng xa và theo dõi máy bay đi qua quần đảo rộng lớn, Thomas Djamaluddin, Chủ tịch Viện Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Indonesia (LAPAN), cho biết.

Indonesia đã chế tạo các tên lửa có đường kính 45cm và hiện đang phát triển một tên lửa lớn hơn với đường kính 55cm. LAPAN cũng đã phát triển một máy bay 19 hành khách, nhằm đưa nó vào sản xuất vào năm tới.

Kế hoạch tổng thể dài hạn của Indonesia là có khả năng chế tạo và phóng các tên lửa, vệ tinh nhỏ từ một sân bay vũ trụ nội địa vào năm 2040. "Giấc mơ của Indonesia là trở thành một trong những quốc gia có công nghiệp không gian của châu Á-Thái Bình Dương", ông Djamaluddin nói.

Nhưng tầm nhìn về việc mở một cảng không gian thương mại phụ thuộc vào tài chính. Nước này đã có cuộc nói chuyện với Trung Quốc về việc giúp xây dựng sân bay vũ trụ. Các quan chức nhấn mạnh rằng dự án sẽ không phải là hợp đồng giữa hai chính phủ và họ đang tìm kiếm một đối tác thương mại.

"Nếu có một đối tác quốc tế từ bất kỳ quốc gia nào hợp tác, chúng tôi có thể ra mắt sân bay không gian vào năm 2024," Djamaluddin nói.

Phiên An ( theo Nikkei Asian Review )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét