Hoàng Đức lập siêu phẩm mang chiến thắng cho Việt Nam trước U22 Indonesia
Với U22 Việt Nam, chiến dịch SEA Games thực sự chỉ bắt đầu khi đối thủ là Indonesia, đội bóng đã đánh bại cả Thái Lan và Singapore. Những gì mà đội bóng trẻ xứ Vạn đảo thể hiện qua 2 trận đấu của họ đã được BHL U22 Việt Nam ghi chép kỹ càng và truyền đạt lại với các cầu thủ một thông điệp: cần thận trọng.
Trong những điều ông Park lo lắng nhất, đối thủ khó chịu chỉ là một phần. Phần lớn hơn nằm ở sự dễ dàng, nhàn rỗi của chính các học trò.
Bàn thua trước U22 Lào vốn đã là một lần… lạnh gáy, nhưng nó đến trong thế trận một chiều, không có gì đáng ngại nên dường như chưa đủ sức cảnh tỉnh hàng phòng ngự. Ông Park nói về "tai nạn" đó một cách nghiêm khắc, và các trung vệ thì đã biết sửa sai.
Nhưng Bùi Tiến Dũng, thủ môn không chơi ở trận gặp U22 Lào và cũng gần như không chơi V.League (trong những lần ít ỏi ra sân đều lóng ngóng), thì có vẻ chưa được thấm nhuần. Pha bắt bóng tuột tay biếu không cho đối thủ bàn mở tỉ số là một sai lầm tệ hại, nó khiến hiệp 1 trôi qua với U22 Việt Nam như một màn tra tấn về mặt tinh thần.
Trận đấu thì quá quan trọng, Dịch tiếng Trung Quốc đối thủ lại quá "khó nhằn". U22 Indonesia với lối chơi áp sát, không ngại ngần va đập đã khiến các học trò của ông Park không cầm được bóng, không triển khai được các pha phối hợp và nếu có cơ hội dứt điểm hiếm hoi thì cũng vội vã và ở tư thế kém thăng bằng.
HLV Park Hang-seo có những đức tin kỳ lạ. Ông vẫn đánh giá Bùi Tiến Dũng là số 1, bất chấp anh thiếu cảm giác thi đấu trầm trọng. Hậu quả thì tất cả cùng đã thấy. Nhưng ông lại sử dụng Hà Đức Chinh như một tiền đạo số 2, dù anh cũng bị chê đứng chê ngồi. Kết quả thì ngược lại: 4 bàn vào lưới U22 Brunei, và từ khi anh xuất hiện trên sân, hàng thủ U22 Indonesia không còn là một khối băng rắn chắc, nó bị xé vụn ra và tan chảy…
Việc Hà Đức Chinh vào sân ở hiệp 2, cả đội chơi với 2 tiền đạo và tuyến giữa càng mỏng manh hơn có thể coi là nước cờ mạo hiểm của ông thầy Hàn Quốc. Ông có thể mất trắng như U22 Thái Lan vì bị phản đòn, nhưng điều đó may mắn đã không xảy ra, nhờ chúng ta tìm được bàn gỡ không quá muộn.
Pha băng cắt đánh đầu của Thành Chung là một bài tập nhuần nhuyễn của U22 Việt Nam, nhưng từ sân tập đến sân đấu là cả một khoảng cách mênh mông, nhất là trong bối cảnh tâm lý đang căng thẳng. Bởi thế, chúng ta càng thêm trân quý bàn thắng ấy, nó có thể là bàn thắng Vàng ở kỳ SEA Games mà mục tiêu của chúng ta không gì khác là vô địch.
Cú sút thần diệu của Hoàng Đức thì đương nhiên là một thứ Vàng mười khác. Ngợi ca vẻ đẹp của nó bao nhiêu cũng là không đủ. Chúng ta chỉ có thể nói về nó như là hiện thân của một tinh thần Park Hang-seo, tinh thần Việt: không bao giờ đầu hàng. Đó chính là điều mà ông Park đã hào sảng khẳng định sau trận thắng thót tim.
Đúng là U22 Việt Nam đã chơi tốt hẳn lên sau giờ nghỉ giải lao. Đá với hai tiền đạo mỏ neo, một chuyên tì đè (Tiến Linh), một chuyên băng cắt (Đức Chinh) và một tiền đạo ảo (Hoàng Đức), cộng thêm Quang Hải lùi về như một chân kiến tạo, đội bóng của ông Park đã biết cách duy trì nhịp độ, đá chắc chắn từ giữa sân và nửa sân nhà, chỉ tăng tốc khi tiếp cận vòng cấm đối thủ.
Nhưng khi tỏ ra cho U22 Indonesia thấy các miếng ban bật chọc khe thì cũng là lúc trò "nghi binh" mang về kết quả. Bàn gỡ 1-1 đến từ pha phạt góc đón ở cột gần, bàn ấn định chiến thắng lại thực hiện bởi sút xa. Nghĩa là ông Park cho các học trò chơi với nhiều mảng miếng, và họ cũng đủ năng lực để thực hiện nhiều kiểu cách tấn công.
Vẫn rời sân với 3 điểm nhưng có thêm một núi bài học về lỗi và vá lỗi, thầy trò ông Park đã nhận được quá nhiều trải nghiệm quý báu từ U22 Indonesia. Đó là những thử thách hú hồn mà một đội bóng cần đương đầu và vượt qua nếu muốn bước lên ngôi cao nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét