Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Người bác sĩ nội soi

Gương mặt bác sĩ trẻ tài năng

Sinh năm 1986 và lớn lên ở một miền quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học ở Nghệ An, với niềm đam mê nghề nghiệp, anh Trần Quang Trung đã quyết tâm theo đuổi sự nghiệp chữa bệnh cứu người. Ước mơ sớm thành hiện thực sau 6 năm miệt mài đèn sách, anh tốt nghiệp thủ khoa ngành đa khoa hệ bác sĩ chính quy khóa 2004-2010 và được lãnh đạo Trường đại học Y Dược Huế giữ lại làm giảng viên Bộ môn Nội. Ngoài chuyên môn giảng dạy, anh còn là một bác sĩ của Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế.

Trường đại học Y Dược Huế có tiếng là cái nôi đào tạo nhiều bác sĩ giỏi, là nguồn cung ứng bác sĩ đáng tin cậy cho các bệnh viện trong khu vực. Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế không chỉ có lợi thế về cơ sở vật chất kỹ thuật, mà đội ngũ cán bộ bác sĩ ở đây có chuyên môn khá vững vàng, luôn sẵn sàng tận hiến với nghề. Đặc biệt, họ luôn giữ tác phong ứng xử thân thiện đối với bệnh nhân và đồng nghiệp. Là người được may mắn học tập, làm việc và trưởng thành trong môi trường ấy, BS. Trần Quang Trung càng phát huy nhiều hơn những khả năng của mình. Với nỗ lực để trở thành một bác sĩ giỏi, anh không ngừng bồi đắp, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2012, BS. Trần Quang Trung tốt nghiệp Thạc sĩ nội soi loại xuất sắc tại Trường đại học Y Dược Huế.

Nhìn vẻ ngoài tự tin nhưng rất đỗi khiêm nhường, gần gũi của ThS.BS. Trần Quang Trung, không mấy ai biết được đằng sau vẻ ngoài bình thường ấy là một con người với nhiều nội lực phi thường. Anh lao vào công việc như người thợ cày miệt mài dưới cánh đồng đầy nắng và gió. “Được cống hiến hết mình để đem lại nụ cười cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”, ThS.BS. Trần Quang Trung chia sẻ.

Từng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, lúc là giảng viên, lúc là học viên, khách mời, lúc lại là báo cáo viên của nhiều hội nghị khoa học quốc tế và khu vực trong lĩnh vực tiêu hóa và nội soi ở trong và ngoài nước, BS. Trần Quang Trung luôn thể hiện rõ bản lĩnh, tài năng của mình dưới nhiều góc độ. Phong thái tự tin, đĩnh đạc của anh trong những buổi báo cáo, thuyết trình, giảng giải luôn thu hút người nghe và thuyết phục ngay cả những chuyên gia khó tính nhất ở lĩnh vực y học cả trong và ngoài nước. Vừa giảng dạy nghiên cứu vừa chữa bệnh, công việc nhiều đến nỗi lắm lúc không có thời gian dành cho gia đình, nhưng anh chưa một lần thở than. Trái lại, như lời anh nói: “Những công việc tưởng chừng xa rời nhau ấy, lại hỗ trợ, bổ sung cho nhau, giúp tôi bồi đắp và tích lũy nhiều kiến thức và kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh, cũng như giảng dạy và nghiên cứu”.

Người bác sĩ nội soi BS. Trung cùng đồng nghiệp thực hiện kỹ thuật ESD cho bệnh nhân.

Nhật Bản là quốc gia để lại nhiều dấu ấn với BS. Trung. Đó là nơi đầu tiên anh học tập ở nước ngoài và nhận được niềm vui quý giá. Năm 2015, ThS.BS. Trần Quang Trung vinh dự nhận được giải thưởng của Hội Tiêu hóa Nhật Bản cho những bác sĩ trẻ ở châu Á. Đây không chỉ là điều hãnh diện của bản thân, gia đình anh, mà còn là niềm tự hào của nền y học nước nhà.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, tháng 3 năm 2018, BS. Trung tiếp tục giành được học bổng toàn phần của Tổ chức trao đổi hàn lâm (DAAD) cho chương trình NCS tiến sĩ tại Cộng hòa liên bang Đức. Tháng 9 vừa qua, ThS.BS. Trần Quang Trung được mời là thành viên ban huấn luyện của khóa đào tạo nội soi can thiệp ở London. Tuy tuổi đời còn khá trẻ, nhưng với nỗ lực không mệt mỏi, BS. Trần Quang Trung đã gặt hái được nhiều thành công đáng nể ở lĩnh vực nội soi tiêu hóa.

Người tiên phong đưa kỹ thuật hiện đại (ESD) vào điều trị ung thư ống tiêu hóa

Ít ai biết được rằng, BS. Trần Quang Trung chính là một trong những người tiên phong đưa kỹ thuật hiện đại vào điều trị bệnh dạ dày và ống tiêu hóa ở Việt Nam. Năm 2013, ThS. Trung hoàn thành khóa học đào tạo nâng cao về nội soi tiêu hóa trong 6 tháng tại Bệnh viện Đại học Nagoya, Nhật Bản. Sau khi học xong, về nước, anh lại tiếp tục đem những kiến thức mình học được vào khám và chữa bệnh. Nhờ vậy, kỹ thuật điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm bằng phương pháp phẫu tích dưới niêm mạc dạ dày được nhanh chóng triển khai, bước đầu đã đem lại kết quả ngoài mong đợi.

Trong bài nghiên cứu Chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày sớm, PGS.TS. Trần Văn Huy và ThS.BS. Trần Quang Trung đã trình bày rất rõ những ưu thế của kỹ thuật này. Theo đó, kỹ thuật phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) được phát triển nhằm bóc tách nguyên khối thương tổn chính xác hơn và giúp bệnh nhân bảo tồn được toàn bộ ống tiêu hóa, không có vết mổ trên da. Sau khi triển khai kỹ thuật này, các chỉ định mở rộng cho ESD cũng đã được đề cập. Do khả năng bóc tách nguyên khối cao, tỷ lệ tái phát thấp, các phân tích tổng hợp cho thấy ESD ưu việt hơn cắt niêm mạc đơn thuần (EMR). Ở Nhật Bản, tỷ lệ sống 5 năm sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày sớm là 99% đối với thể niêm mạc và 96% đối với thể dưới niêm mạc. Tỷ lệ di căn hạch bạch huyết ở những bệnh nhân này là 3% đối với thể niêm mạc và 20% đối với thể dưới niêm mạc. Kết quả thống kê cho thấy kỹ thuật ESD khá an toàn và ít xảy ra biến chứng đối với người bệnh. Đây là số liệu ghi nhận tầm quan trọng của kỹ thuật ESD trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm.

Hiện nay, ESD được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, kỹ thuật ESD được triển khai tại Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Đại học Nagoya, Nhật Bản. Chỉ sau một thời gian, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã tự chủ trong việc thực hiện kỹ thuật này. Người chịu trách nhiệm triển khai ESD chính là ThS.BS. Trần Quang Trung. Qua chia sẻ, tính từ năm 2013 đến tháng 3 năm 2018, BS. Trung cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế đã thực hiện 57 ca ESD, trong đó có 46 ca dạ dày. Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, không có ca nào tái phát. Kết quả này đã được ThS.BS. Trần Quang Trung công bố trên bài báo quốc tế và báo cáo tại Hội nghị Nội soi thế giới năm 2017 với tư cách là kết quả chính thức đầu tiên ở Việt Nam về điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm.

Tự hào hơn, với thành công của việc triển khai ESD ở Việt Nam, BS. Trung vừa giành được giải thưởng Scholar Award của Hội Liên hiệp Tiêu hóa châu Âu tại Tuần lễ Tiêu hóa châu Âu năm 2019.

Tận tâm với người bệnh

Không chỉ là một bác sĩ tài năng, ThS.BS. Trần Quang Trung còn hết lòng vì bệnh nhân. Với anh, bệnh nhân giống như người nhà của mình, “thấy họ đau, lòng mình cũng như đống rơm trên lửa”.

Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ y nguyên cái thời điểm cách đây 3 năm, BS. Trung đã trực tiếp khám, tư vấn và điều trị cho ba tôi (bệnh nhân Lê Thanh Hiền, TT Lệ Ninh, Lệ Thủy, Quảng Bình). Sau khi nội soi sàng lọc dạ dày và làm giải phẫu bệnh, ba tôi được chẩn đoán là viêm dạ dày mạn tính và loạn sản ở độ cao. Đây là những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh lý cần được can thiệp và chữa trị kịp thời. Vì là bệnh nhân ở xa và sức khỏe còn yếu nên ba tôi được BS. Trung sắp xếp lịch để thuận tiện đi lại. Lúc ở nhà, tôi thường nghe ba ca ngợi BS. Trung, đại loại như “bác ấy tốt lắm, nhiệt tình lắm... Ba chưa thấy bác sĩ nào tốt như bác ấy”. Nhìn nét mặt hồ hởi, vui mừng, cùng những lời ngợi khen của ba, tôi không khỏi tò mò, xen lẫn chút hoài nghi về vị bác sĩ này. Đến lúc gặp BS. Trung, tôi mới thấu hiểu vì sao ba lại khen ngợi anh đến vậy. Mà không chỉ ba tôi, hầu như bất kỳ một bệnh nhân nào từng tiếp xúc với BS. Trung đều cảm thấy ngạc nhiên, xúc động trước sự tận tình, chu đáo của anh. Bệnh nhân Tạ Thị Bích Ngọc, sinh năm 1975, thường trú tại 18 Mang Cá, phường Thuận Lộc, thành phố Huế - người nằm viện cùng đợt với ba tôi chia sẻ: “BS. Trung rất nhiệt tình, chu đáo với chị. Chị cảm thấy rất may mắn khi gặp được BS. Trung - một bác sĩ vừa giỏi, lại vừa tận tâm”. Như nhiều ca khác, trường hợp của chị Ngọc cũng được BS. Trung điều trị ESD. Sau khi được điều trị bằng kỹ thuật này, kết hợp với việc dùng thuốc, bệnh tình của chị đã bình phục và đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu tái phát. Chú Nguyễn Tường, sinh năm 1968, quê ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cũng chia sẻ: “May lắm cháu ơi! May chú đi khám, được BS. Trung tư vấn và điều trị kịp thời, nên dạ dày đã hết đau, sức khỏe đã ổn định. Chứ không biết, để đến giờ, có khi về với tổ tiên rồi”.

Dù bận nhiều việc, ở BS. Trung lúc nào cũng toát lên sự thân thiện, gần gũi. Tình cờ, một lần tôi ngồi trên giường bệnh cùng ba, phía cuối phòng, BS. Trung đang khám cho một bệnh nhân nữ cao tuổi. Hình như đã xong việc, bác sĩ nâng tay bà cụ nói một câu gì đó khiến bà cụ cười móm mém phô cả hàm răng đã rụng gần hết. Lại một lần khác, tôi đang tránh nắng dưới gốc cây, phía cuối sân, BS. Trung với một nhân viên bệnh viện đang trao đổi gì đó. Giọng người kia có vẻ hơi gay gắt. BS. Trung kiên nhẫn lắng nghe rồi trả lời trong dáng vẻ bình tĩnh. Cuối cùng, hai người đi hai hướng sau một cái bắt tay tạm biệt khá thân mật. Trong những ngày ở viện, tôi chưa bao giờ thấy BS. Trung tỏ vẻ gay gắt, khó chịu với bệnh nhân hoặc đồng nghiệp. Mặc dù công việc ở khoa, ở trường lu bù, nhưng khi nghe có ca bệnh là anh chạy tất tưởi, hay khi có bệnh nhân gọi điện hỏi, anh cũng tranh thủ tư vấn nhiệt tình. Anh bảo: “Với nghề y, chữa bệnh cứu người là việc làm được ưu tiên hàng đầu; vì nếu chậm trễ thì cơ hội khỏi bệnh càng trở nên khó khăn”. Chính vì vậy, sau mỗi lần khám, khi phát hiện dấu hiệu bất thường của người bệnh, anh đều tư vấn và động viên họ sớm nhập viện để chữa trị kịp thời.

Ngoài số ca bệnh trong tỉnh, mỗi năm, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế tiếp nhận thêm hàng nghìn bệnh nhân khắp cả nước. Tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) gây ra các bệnh dạ dày ngày một tăng. Có những bệnh nhân ở xa, khi phát hiện bệnh thường có thói quen xin thuốc về uống, rồi lơ đãng luôn việc theo dõi, điều trị. Trước tình hình đó, nhiều bác sĩ phải ra sức động viên, thuyết phục bệnh nhân cố gắng nhập viện để điều trị kịp thời. Bàn về vấn đề này, BS. Trung bồi hồi chia sẻ: “Đa số bệnh nhân của tôi đều ở xa, do vậy điều kiện đi lại của họ tương đối vất vả. Vì thế, khi biết mình bị bệnh, không ít bệnh nhân phớt lờ việc nằm viện. Đối với những bệnh nhân này thì mình phải chủ động xin số của họ để kịp thời nhắc nhở, động viên. Nhất là những ca có nguy cơ cao, mình phải lên lịch càng sớm càng tốt và tiến hành làm ESD. Như vậy, việc điều trị sẽ thuận lợi và đem lại kết quả khả quan hơn”.

Không chỉ giỏi chuyên môn mà luôn nhiệt tình và chu toàn trong công việc, đó là lời nhận xét chung của bệnh nhân, đồng nghiệp, sinh viên về ThS.BS. Trần Quang Trung. Dù đảm đương nhiều việc ở khoa và công tác giảng dạy, anh vẫn không quên nhiệm vụ quan trọng của mình là theo dõi tình trạng của người bệnh. Nếu bệnh nhân đang nằm điều trị, anh thường lui tới thăm hỏi, nhắc nhở dùng thuốc và tuân thủ liệu trình, cũng như an ủi bệnh nhân về mặt tinh thần. Nếu bệnh nhân ra viện nhưng vẫn đang dùng thuốc, anh cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm xem tình trạng bệnh đã giảm hay chưa. Tôi nhận thấy rất rõ điều này trong quá trình BS. Trung điều trị cho ba tôi, cũng như một số bệnh nhân khác. Có đôi lần, tôi không khỏi sững sờ ngạc nhiên khi biết BS. Trung gọi điện hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của ba. Lúc ấy, lòng tôi dâng lên một niềm khâm phục đến khó tả. Bởi vì trong đời, không mấy khi tôi được chứng kiến những nghĩa cử như thế.

Để có được thành công như hôm nay, ThS.BS. Trần Quang Trung đã trải qua nhiều chặng đường vất vả. Đó là những tháng ngày tuổi thơ nghèo khó, phải tự lập sớm. Là những năm tháng miệt mài “cày xới” sách vở để đạt được ước mơ của mình. Như lời anh tâm sự: “Động lực để tôi làm bác sĩ là cả xã lúc ấy chưa có bác sĩ nào, người dân nghèo ở đó rất vất vả mỗi lúc ốm đau”... Khó khăn đã đi qua, nhưng tôi tin nếu còn, nó cũng chỉ là “lò nung” để tôi luyện cho ý chí, con người anh ngày một rắn rỏi và bền bỉ thêm mà thôi.

Đã 3 năm rồi, kể từ ngày ba tôi ra viện, tôi không có dịp gặp lại ThS.BS. Trần Quang Trung, nhưng những hồi ức và ấn tượng về anh vẫn vẹn nguyên. Khi tôi viết những dòng này, BS. Trung đang ở Đức. Tôi thầm nhủ: “Cảm ơn anh đã nhận điện thoại, dù biết ở bên trời Tây anh đang bận rộn với những buổi tập huấn và hội nghị. Đặc biệt, cảm ơn anh đã giúp đỡ tận tình cho người cha đáng kính của tôi, cũng như nhiều bệnh nhân khác thoát khỏi nỗi lo của căn bệnh dạ dày”. Và, tôi tin chắc rằng, có nhiều bệnh nhân đang trông ngóng anh trở về, để được anh chăm sóc như những năm tháng qua anh đã tận tình với bao nhiêu người bệnh.

Lê Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét